Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lan tỏa phong trào Sáng kiến sáng tạo Thủ đô trên mọi lĩnh vực

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thời gian qua, mặc dù chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nhưng với tinh thần “càng khó khăn, càng phải thi đua”, những ý tưởng sáng tạo đã không ngừng được phát huy, góp phần tích cực cùng với cả nước chiến thắng đại dịch.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các sáng kiến đã có bước chuyển biến mạnh mẽ cả về chất lượng, số lượng và lan tỏa trên tất cả các lĩnh vực.

Hàng chục nghìn sáng kiến được triển khai áp dụng

UBND TP Hà Nội vừa đánh giá sơ kết 2 năm thực hiện Phong trào thi đua “Sáng kiến sáng tạo Thủ đô” giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đó, từ phong trào thi đua, nhiều đơn vị đã tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tế công tác. Như trong việc phòng chống đại dịch Covid-19, đội ngũ cán bộ, y bác sỹ trong ngành Y tế, đã tích cực hưởng ứng phong trào, thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, phấn đấu thực hiện tốt lời dạy của Bác: Lương y như từ mẫu. Nhiều đề tài cấp Thành phố, sáng kiến kinh nghiệm của đội ngũ y, bác sỹ được công nhận và đánh giá cao.

Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” được hưởng ứng mạnh mẽ, lan tỏa rộng trên tất cả các cấp học, được gắn với phong trào “Dạy tốt, học tốt” Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” với nhiều hình thức thi đua tạo khí thế nôi nổi trong đội ngũ các thầy cô giáo và các em học sinh.

Trong thời gian qua, Thành phố đã có hàng chục nghìn sáng kiến được triển khai áp dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực, có giá trị kinh tế cao, tiêu biểu là: Sáng kiến “Khung nắn chính ngoài tự chế trong phẫu thuật điều trị gây thân hai xương cẳng chân bằng kết xương đinh nội tuy không mở ổ gãy”: Bộ dụng cụ được sử dụng lần đầu tiên tại Việt Nam, đã áp dụng thành công tại Bệnh viện đa khoa Đông Anh trong phẫu thuật điều trị gãy thân hai xương cẳng chân bằng kết xương đỉnh nội tủy không mở ổ gãy. Khi sử dụng bộ dụng cụ rất an toàn, không gây tai biến và biến chứng, giúp quá trình nắn chỉnh trong phẫu thuật được nhanh chóng, giảm số lượng bác sĩ trong ca phẫu thuật và tiết kiệm được chi phí khi phải nhập bản chính hình với trị giá hàng trăm triệu đồng, có khả năng áp dụng rộng rãi trên toàn quốc.

Sáng kiến “Cải tiến chất lượng khuôn và giảm chi phí sửa khuôn bằng cải tiến bản vẽ thiết kế khuôn của nhà cung cấp” của anh Hoàng Văn Thành - Công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam. Trong quá trình làm việc, nhận thấy bản vẽ thiết kế khuôn của nhà cung cấp vẫn còn nhiều điểm không tốt dẫn tới chi phi sửa khuôn hàng năm rất cao. Anh Hoàng Văn Thành đã chủ động lên ý tưởng và họp với nhà cung cấp để nhà cung cấp tự nhận diện được điểm chưa tốt và cải tiến. Kết quả, giảm chi phí sửa trung bình 1400USD/khuôn, tiết kiệm 16 tỷ đồng/năm cho doanh nghiệp.

Sáng kiến “Tối ưu hiệu quả đầu tư bằng việc quản lí chi phí tái cơ cấu khuôn đúc nhựa đang sử dụng cho sản xuất hàng loạt” của anh Nguyễn Văn Quý - Công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam đã giúp giảm chi phí tái đầu tư khuôn đem lại giá trị làm lợi 15,2 tỷ đồng/năm. Sáng kiến “Tái sử dụng cán pin máy checker” của anh Phùng Viết Minh - Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI (Việt Nam) giúp giảm giá thành pin mang lại giá trị làm lợi hơn 10,9 tỷ đồng.

Tăng ứng dụng nghiên cứu khoa học vào thực tiễn

Trong việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào thực tiễn, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu thành lập các Hội đồng khoa học nghiệm thu cấp Thành phố 99 đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm, các đề tài dự án đã được áp dụng với các mức độ và quy mô khác nhau, đem lại hiệu quả tốt trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Sản phẩm của các công trình nghiên cứu khoa học đã góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ và năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố, đóng góp để thực hiện 5 định hướng lớn, 3 khâu đột phá, 13 nhiệm vụ - giải pháp và 10 chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Các kết quả nghiên cứu khoa học lý luận giai đoạn vừa qua đã góp phần cung cấp các luận cứ khoa học cho Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố trong quá trình xây dụng các định hướng chủ trương, chính sách trên nhiều mặt của đời sống xã hội.

Nhiều đề tài dự án sản xuất thử nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, vật liệu... đã đạt kết quả khả quan và được ứng dụng với quy mô khác nhau vào thực tiễn đời sống, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân Thủ đô. Điển hình như Đề tài “Bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen bưởi Tam Vân và quýt Tích Giang trên địa bàn Hà Nội do Trung tâm Tài nguyên thực vật chủ trì thực hiện đã tuyển chọn được 14 cây đầu dòng bưởi Tam Vân và quýt Tích Giang làm nguồn vật liệu có giá trị trong bảo tồn, lưu giữ và phát triển trong sản xuất; các quy trình canh tác, mô hình trồng mới và mô hình thâm canh có tính thực tiễn, dễ áp dụng trong sản xuất, giúp nâng cao năng suất chất lượng và hiệu quả kinh tế, góp phần bảo tồn nguồn gen bưởi Tam Vân và quýt Tích Giang trên địa bàn huyện Phúc Thọ, Hà Nội, đa dạng hóa các sản phẩm cây có múi ở Hà Nội…

100% kết quả các dự án sản xuất thử nghiệm được ứng dụng vào thực tiễn, khoảng 80% kết quả các đề tài, đề án được ứng dụng ở các mức độ khác nhau vào thực tiễn của Thành phố.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của phong trào, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cấp, các ngành, đơn vị của Thành phố tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, chú trọng tuyên truyền trực tuyến. Quan tâm phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền, thông tin, giới thiệu các sáng kiến, ý tưởng mới, các hoạt động sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội.

Quán triệt việc triển khai đăng ký sáng kiến đối với các cá nhân trong các cơ quan, đơn vị; thực hiện có hiệu quả việc xét, công nhận sáng kiến tại cơ sở; đánh giá hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến. Tổ chức các hội thi sáng tạo, triển lãm kết quả lao động sáng tạo; tổ chức tuyên truyền, tổng kết, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào thi đua sáng kiến, sáng tạo.

Khuyến khích, ưu tiên, khen thưởng kịp thời cho các cá nhân thuộc đơn vị thực hiện sáng kiến, như: bố trí thời gian, hỗ trợ kinh phí, tài liệu, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường liên kết, hợp tác và hội nhập, từng bước xây dựng “Mạng lưới sáng kiến Hà Nội”; đẩy mạnh cơ chế đặt hàng nghiên cứu các vấn đề quan trọng, cấp thiết trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô