Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lan tỏa văn hóa đọc bằng những hành động cụ thể

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 16/12, nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã trao tặng cuốn sách “Thời cuộc và Văn hóa” do ông làm tác giả cho 63 thư viện các tỉnh, thành phố và 37 thư viện các trường Đại học trên cả nước.

Sáng 16/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị Sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và trao Giải thưởng phát triển văn hóa đọc lần thứ hai.
 Quang cảnh hội nghị. 
Lượt bạn đọc tăng 31%
Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà nhấn mạnh, Hội nghị nhằm đánh giá kết quả hơn hai năm triển khai Đề án, những thành tựu cũng như cũng tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Từ đó đề xuất các giải pháp, phương hướng nhiệm vụ thực hiện trong thời gian tới để Đề án được triển khai một cách thiết thực, hiệu quả hơn. Đây cũng là diễn đàn để những người hoạt động trong ngành văn hóa phổ biến một số kinh nghiệm, mô hình hay góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, văn hóa đọc ở Việt Nam có sự khởi sắc sau khi Đề án được phê duyệt. Năm 2019, hệ thống thư viện công cộng Việt Nam có tổng số 24.080 thư viện, tăng 14% so với năm 2018. Tổng số bản sách trong hệ thống thư viện công cộng là gần 44 triệu bản sách; tổng lượt bạn đọc đến thư viện có sự bứt phá với hơn 47 triệu lượt tăng 31% so với năm 2018.
Đặc biệt, công tác phục vụ người khuyết tật và người khiếm thị trong việc đọc đã được tăng cường. Chỉ riêng trong 2 năm 2018 – 2019, TP Hồ Chí Minh đã phục vụ được hơn 15.000 lượt bạn đọc khiếm thị với 25.000 lượt tài liệu chuyên biệt. Bên cạnh đó, nhiều trại giam đã phối hợp với các thư viện cấp tỉnh thực hiện tốt việc phối hợp mang sách đến cho phạm nhân. Điều này đã góp phần giúp cho nhiều phạm nhân đã thay đổi nhận thức, quyết tâm cải tạo, tu dưỡng.
Nhìn chung, sau 2 năm thực hiện Đề án, văn hóa đọc và các hoạt động của thư viện đã có sự tăng trưởng đáng kể. Trung bình các chỉ số đều tăng từ 10% trở lên, trong đó chỉ số về lượt bạn đọc đến thư viện có sự gia tăng đáng kể. Công tác phục vụ bạn đọc được các thư viện chú trọng, xây dựng thói quen và trang bị kỹ năng đọc, phương pháp đọc, mở các lớp hướng dẫn phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó chú trọng đến sinh viên và học sinh. Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh, đổi mới nhằm thu hút người dân đến sử dụng nguồn tài liệu, sản phẩm và dịch vụ thư viện.
Chú trọng văn hóa đọc trong học sinh, sinh viên
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển văn hóa đọc trong học sinh, ông Nguyễn Bảo Quốc, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long cho biết, trước thực trạng môi trường thư viện tại các trường tiểu học không thu hút và không phù hợp với học sinh, Sở đã chủ động tách phòng đọc của học sinh và giáo viên; cải thiện giá sách và bổ sung sách phù hợp với từng trình độ của học sinh. Nhờ đó, thư viện của các trường tiểu học đã thu hút được nhiều các bạn học sinh quan tâm hơn. Theo ông Bảo Quốc, thư viện các  trường tiểu học cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá thư viện thân thiện đạt chuẩn và tập huấn cách thiết lập các tiêu chí đó.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khoa học công nghệ không ngừng phát triển, khả năng đáp ứng các loại sách điện tử, sách nói của các nhà sách, nhà xuất bản còn hạn chế. Công tác số hóa tài liệu trong nhiều thư viện chưa được quan tâm đúng mức…
 Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã trao tặng quyển sách “Thời cuộc và Văn hóa” do ông làm tác giả cho 63 thư viện các tỉnh, thành phố và 37 thư viện các trường Đại học trên cả nước. 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi ghi nhận những chuyển biến tích cực trong lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, nhất là quan tâm đến việc đọc cho cả những đối tượng đặc biệt người khiếm thị, phạm nhân…Ông Hồ Quang Lợi cho rằng để Đề án phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, cần sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương để tạo điều kiện thuận lợi về vật chất và tinh thần để phát triển văn hóa đọc. Trong đó chú trọng đến đối tượng học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó sử dụng hiệu quả những thành tựu của khoa học công nghệ để phát triển văn hóa đọc lành mạnh, hạn chế những tiêu cực, mặt trái của Internet và mạng xã hội đến công chúng.
Nhân dịp này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Giải thưởng nhằm tôn vinh các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực cho sự phát triển văn hóa đọc trong năm 2019.
Nhà báo Hồ Quang Lợi tặng sách “Thời cuộc và Văn hóa” cho thư viện các tỉnh, thành phố và thư viện các trường Đại học trên cả nước.
Tại hội nghị Sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã trao tặng quyển sách “Thời cuộc và Văn hóa” do ông làm tác giả cho 63 thư viện các tỉnh, thành phố và 37 thư viện các trường Đại học trên cả nước, nhằm cụ thể hóa việc lan tỏa văn hóa đọc lành mạnh trong cộng đồng.