Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lan tỏa văn hóa đọc ở Đông Dương

Lại Trâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù mới đi vào hoạt động được hơn 2 năm, song thư viện thôn Đông Dương (xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa) đã góp phần tích cực trong phát triển văn hóa đọc, nâng cao dân trí và xây dựng xã hội học tập lành mạnh tại cộng đồng dân cư.

Thư viện Đông Dương (xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa) thu hút đông đảo người dân đến đọc sách.
Trưởng thôn Đông Dương Nguyễn Hữu Khương cho biết, khi thôn đưa ra kế hoạch thành lập thư viện đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, đặc biệt có cả những người con xa quê tự nguyện đóng góp tiền và sách. Thư viện được đặt tại đình làng, có diện tích 30m2 với số lượng đầu sách 3.200 cuốn các loại, trong đó có 500 đầu sách được mua chọn lọc và 2.700 đầu sách do các mạnh thường quân ủng hộ. Với sự phong phú, đa dạng lĩnh vực từ khoa học kỹ thuật đến văn học, lịch sử, địa lý, tâm lý, y dược... thư viện đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu tham khảo của mọi lứa tuổi.
Hàng năm, ngoài việc chú trọng bổ sung các đầu sách quý, Ban quản lý thư viện thôn Đông Dương đã kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ mua sắm đầy đủ các thiết bị đồ dùng phục vụ sinh hoạt như quạt, đèn, tủ, bàn, ghế với tổng trị giá trên 40 triệu đồng. Thư viện mở cửa vào các ngày thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy hàng tuần, thu hút rất nhiều người dân trong thôn đến đọc sách. “Ngoài việc phục vụ việc học tập, thư giãn cho các cháu nhỏ, việc đến thư viện đọc sách sẽ giúp các cháu tránh xa những thiết bị điện tử, giải quyết được nỗi lo chung của nhiều phụ huynh hiện nay” - ông Nguyễn Hữu Khương chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh - cán bộ văn hóa xã Tảo Dương Văn, xã đã giao Ban quản lý thư viện thôn Đông Dương tăng cường công tác quản lý, thường xuyên tuyên truyền về ý nghĩa văn hóa đọc sách nơi công cộng nhằm lan tỏa tinh thần ham học hỏi của người dân. Bên cạnh đó, phối hợp với các nhà trường trên địa bàn tổ chức các buổi tọa đàm, khóa học về văn hóa đọc sách tới 100% các em học sinh. Đồng thời, tích cực vận động Nhân dân ủng hộ thư viện bằng cả vật chất và tinh thần để ngày càng hoàn thiện tiêu chí thư viện chất lượng cao. Hơn 2 năm hoạt động, thư viện đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, con em có thêm những cuốn sách hay để trau dồi kiến thức, lớp trẻ đọc sách để hoàn thiện nhân cách, nông dân đọc để làm giàu… Nhờ vậy, các tệ nạn xã hội được đẩy lùi, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao.