Tuy nhiên, cũng giống nhiều làng nghề khác hiện nay, làng nghề nón lá Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai vẫn đang bỏ ngỏ tiềm năng được coi là thế mạnh này.
Sản phẩm độc đáoNói đến nghề làm nón đẹp nổi tiếng không thể không nhắc tới làng Chuông, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km dọc theo QL 21B. Nghề làm nón ở đây có lịch sử hơn 300 năm; hình ảnh chiếc nón Chuông đã đi vào ca dao, thơ ca, là nguồn cảm hứng của biết bao thi sĩ. Nghề được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trẻ em làng Chuông có thể hoàn thiện chiếc nón đầu tiên từ khi chỉ mới 7 – 8 tuổi. Người dân địa phương luôn tự hào, đã là người làng Chuông, bất kể gái hay trai đều biết khâu nón.Sản xuất nón lá tại làng Chuông. Ảnh: Văn Phúc |
Phó Chủ tịch UBND xã Phương Trung Trần Thanh Tuấn cho biết: Hiện, toàn xã Phương Trung có 4.600 hộ dân thì có tới 90% số hộ có người làm nón. Bình quân mỗi ngày làng nghề làm ra từ 8.000 – 10.00 chiếc nón. Ngoài mang lại lợi ích kinh tế, nghề còn giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Với lao động là người già và trẻ em có thể thu nhập từ 30.000 – 40.000 đồng/ngày. Còn đối với những lao động trẻ, nhanh tay, nhanh mắt một ngày có thể kiếm được từ 70.000 – 80.000 đồng từ nghề làm nón.
Những chiếc nón của làng Chuông từng được dùng để cung tiến hoàng hậu, công chúa thời phong kiến. Ngày nay, sản phẩm của làng còn được dùng làm đạo cụ cho các bộ phim cổ trang hay tham gia vào các show diễn thời trang. Với ưu điểm chắc, khỏe, bền, thanh, đẹp, lại dùng được trong lao động nên sản phẩm của làng luôn được khách hàng ưa chuộng, làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Ngoài bán trong nước, nón làng Chuông còn được xuất khẩu sang nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản...Chưa khai thác hết tiềm năngCơ sở sản xuất nón lá của anh Lê Văn Tuy là một mô hình sản xuất, kinh doanh kết hợp với du lịch trải nghiệm của làng Chuông. Anh Tuy chia sẻ, việc kết hợp du lịch với hoạt động sản xuất, kinh doanh tại làng nghề mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Ngoài có thêm thu nhập từ các dịch vụ, anh còn có cơ hội mở rộng thêm nhiều mối hàng lớn. Hiện nay, trung bình mỗi tháng gia đình anh Tuy đón 5 – 7 đoàn khách, chủ yếu vào những ngày cuối tuần. “Tuần trước, tôi vừa tiếp đoàn 70 du khách Bỉ, họ rất hào hứng khi được trực tiếp tham gia làm một chiếc nón. Ngoài ra, họ cũng rất thích thú với những món ăn dân giã và được nghỉ ngơi trong những ngôi nhà cổ” – anh Tuy vui vẻ cho biết. Tuy nhiên, vào những ngày cao điểm đón 2 - 3 đoàn khách thì nhiều khâu dịch vụ của gia đình không đáp ứng đủ nhu cầu.Ông Phạm Văn Quỳnh - cán bộ văn hóa xã Phương Trung cho biết, hiện cả xã chỉ có duy nhất hộ nhà anh Tuy làm mô hình du lịch dù tiềm năng để phát triển du lịch của làng nghề là rất lớn. Đến với làng nghề, ngoài được trực tiếp trải nghiệm các công đoạn làm nón thủ công, tham gia các phiên chợ quê, du khách còn có cơ hội khám phá, tìm hiểu nét văn hóa làng quê Đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt, hiện nay trong làng Chuông còn lưu giữ được hơn 20 ngôi nhà cổ có tuổi đời hơn 100 năm. Do đó, để làng nghề phát triển hơn nữa, trong thời gian tới, địa phương cần tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch. Đồng thời tiếp tục đầu tư quảng bá hình ảnh làng nghề và quy hoạch một cách đồng bộ, xây dựng không gian trưng bày sản phẩm, tạo sức hấp dẫn với khách du lịch khi đến đây.