Nghề làm cốm ở Mễ Trì đến nay đã có bề dày lịch sử hơn một thế kỷ. Ở đây có 2 thôn (thôn Thượng và thôn Hạ) có nhiều hộ gia đình theo nghề làm cốm. Nghề cốm Mễ Trì được đưa vào danh mục 17 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thời điểm này chính là giai đoạn cao điểm sản xuất trong vụ mùa cốm lớn nhất trong năm. Người dân nơi đây lại tất bật từ sáng sớm đến tận đêm khuya để kịp làm những mẻ cốm thơm dẻo phục vụ cho khách hàng.
Nguyên liệu làm cốm là lúa nếp. Có nhiều loại lúa nếp có thể làm cốm như lúa nếp lương phượng, lúa nếp thơm, nếp tan, nếp quýt, nếp hoa cái hoa vàng…
Lúa nếp non đem về rang chín rồi giã, sàng sảy nhiều lần.
Rang cốm là một nghệ thuật, rang sao cho hạt thóc đạt độ dẻo, dai. Phải điều chỉnh lửa sao cho vừa để hạt thóc vừa đẹp lại vừa không bị sống, không bị vụn.
Làm cốm trải qua rất nhiều công đoạn. Lúa gặt về cho vào máy tuốt và sau đó đãi sạch.
Công đoạn tiếp theo sẽ đem rang, xay bỏ vỏ cho vào cối giã 4 - 5 lượt là hoàn thành.
Thay vì làm cốm hoàn toàn thủ công, thì nay các hộ trong làng đã áp dụng máy móc, cơ giới hóa vào các khâu làm cốm, giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí sản xuất, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm cốm.
Cơ sở làm cốm của gia đình bà Đỗ Thị Nga với bề dày kinh nghiệm cha truyền con nối hơn nửa thế kỷ nay.
Mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 9 tạ thóc và ra được 250kg cốm thành phẩm.
Theo anh Hữu Hoạ (con trai bà Nga) chia sẻ: "Khi rang cốm người dân trong làng đều dùng củi gỗ chứ không dùng than thì cốm mới dậy mùi".
Khi bắt đầu rang thì để to lửa, khi cốm tái thì phải giảm lửa, bởi nếu lửa to quá sẽ bị cháy và lửa nhỏ quá cốm sẽ không đạt yêu cầu dẻo. Trung bình mỗi mẻ cốm rang thường kéo dài khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ" anh Hoạ cho biết thêm.
Sản phẩm từ cốm cũng đa dạng, phong phú theo thị hiếu người tiêu dùng chứ không đơn thuần chỉ có cốm như trước đây. Như chả cốm, xôi cốm, giò cốm, bánh cốm…
Cốm làng Vòng, cốm Mễ Trì giờ đây đã trở thành món ăn không thể thiếu của văn hóa ẩm thực Việt Nam, trở thành món quà tao nhã nức tiếng gần xa của Thủ đô.