Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Láng giềng chơi trò chính trị

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người tị nạn từ Syria và Thổ Nhĩ Kỳ tập trung ở vùng biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp hiện trở thành vấn đề nan giải mới đối với hai nước láng giềng của nhau này và đối với EU.

Sau chuyến đi Nga để gặp và đạt được thoả thuận ngừng bắn mới với tổng thống Nga Vladimir Putin, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhận lời mời của EU tới Brussel (Bỉ) để thương thảo với EU nhằm giải quyết vấn đề người tị nạn và di cư này. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp tiếp tục dùng vấn đề ấy để chơi cuộc chơi chính trị mới với nhau.

 Người di cư tràn qua biên giới Hy Lạp vào châu Âu. Ảnh: AP

Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố mở cửa biên giới quốc gia để người tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ và qua Thổ Nhĩ Kỳ có thể sang EU, nhưng lại chỉ mở cửa biên giới với Hy Lạp chứ không mở cửa biên giới với Bulgaria - cả hai đều là thành viên EU. Chủ ý của Thổ Nhĩ Kỳ ở đây rõ ràng là chỉ gây khó cho Hy Lạp chứ không đẩy Bulgaria vào tình thế khó khăn và khó xử. EU nói chung và Hy Lạp nói riêng hiện trực diện với tình cảnh chẳng khác gì đã phải đối phó hồi năm 2015.

Chính phủ Hy Lạp không mở cửa biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ vì như thế sẽ được lợi nhất từ diễn biến mới này, cụ thể ở đây là nhờ đấy có thể đề cao được vị thế và vai trò của Hy Lạp trong EU, chính phủ Hy Lạp có thể chinh phục được sự ủng hộ và tin cậy của dân chúng vì đại đa số dân chúng không đồng tình với việc mở cửa biên giới như hồi năm 2015 và chốt chặt biên giới càng lâu thì có thể làm cho phía Thổ Nhĩ Kỳ càng thêm khó khăn trên mọi phương diện.

Phía Thổ Nhĩ Kỳ dùng chuyện người tị nạn và di cư này để gây áp lực đối với EU nói chung và đối với Hy Lạp nói riêng. Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Hy Lạp lá mặt lá trái khi từ chối tiếp nhận người tị nạn và di cư khi lại chứa chấp những người bị phía Thổ Nhĩ Kỳ truy nã vì liên quan đến cuộc đảo chính năm 2015 ở Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ đã biến khó khăn hiện tại thành cuộc chơi chính trị có lợi cho mình với nước láng giềng và EU.