Làng gốm Bát Tràng vượt khó

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thời gian qua, giá các nguyên nhiên liệu đầu vào như xăng dầu, điện, ga, nguyên vật liệu… tăng chóng mặt, trong khi mức tiêu thụ sụt giảm khiến các làng nghề gặp không ít khó khăn.

Chung cảnh ngộ đó, người dân làng gốm sứ Bát Tràng vốn nổi tiếng với nhiều tỉ phú cũng gặp không ít khó khăn do lạm phát và giá cả tăng cao.
 
Khó khăn chồng chất
 
Về làng gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm - Hà Nội) những ngày này, không khí tấp nập, nhộn nhịp đã giảm bớt phần nào. Trước đây, Bát Tràng nổi tiếng là làng nghề phát triển tốt nhất trong thời buổi kinh tế thị trường, với kim ngạch xuất khẩu đứng đầu các làng nghề cả nước, hàng trăm "tỉ phú" cũng từ nghề gốm mà ra, hàng năm làng nghề Bát Tràng thu hút hàng triệu khách du lịch. Vậy nhưng, đến thời điểm này, việc sản xuất kinh doanh của Bát Tràng cũng gặp không ít khó khăn, lượng khách du lịch đến làng giảm, trong khi các đơn hàng bị cắt giảm, lượng hàng tồn kho tăng cao kỷ lục, khó khăn chồng chất khó khăn.
 

Làng gốm Bát Tràng vượt khó - Ảnh 1

Một cửa hàng bán sản phẩm của làng nghề.

Theo ông Lê Xuân Phổ, Chủ tịch Hội Gốm sứ Bát Tràng, hiện nay toàn xã có khoảng 700 hộ sản xuất, kinh doanh gốm sứ, trong đó 400 hộ là hội viên của Hội. Cách đây 5 - 6 năm, làng gốm sứ Bát Tràng giải quyết việc làm cho khoảng 6.000 lao động địa phương và các nơi khác, nhưng giờ cũng chỉ còn khoảng 3.000 người. 60% hàng gốm sứ của Bát Tràng được xuất khẩu sang các nước châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc, đây là nguồn doanh thu lớn của làng nghề. Nhưng vài năm trở lại đây, hầu hết các đối tác nước ngoài cũng gặp khó khăn, nhiều đối tác giảm sản lượng hoặc không nhập hàng nữa. Trước đây, mỗi tuần cũng có khoảng 40 container hàng xuất đi các nước nhưng hiện nay giảm xuống chỉ còn khoảng một nửa. Ngay cả tiêu thụ nội địa cũng giảm sút, những năm trước, một tuần cũng có vài xe ô tô chở hàng vào miền Nam nhưng bây giờ lâu lâu mới có một chuyến. Giá nguyên liệu, giá ga, lương công nhân tăng cao khiến tất cả các cơ sở sản xuất ở đây phải xoay sở đủ cách để tồn tại. "Từ năm 2007, Bát Tràng có dự án chuyển từ lò hộp (lò than) sang lò gas, đến nay, toàn xã đã có 231 lò gas. Tuy nhiên do giá gas cao nên ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất, vì vậy nhiều hộ vẫn giữ lò than gây ô nhiễm môi trường" - ông Phổ cho biết.

Tự tìm kiếm khách hàng

Làng gốm Bát Tràng vượt khó - Ảnh 2

Nghệ nhân Bát Tràng vẽ hoa văn cho sản phẩm gốm.

Trong khi xuất khẩu giảm sút, việc tiêu thụ nội địa như là một cứu cánh duy nhất. Nhiều lò gốm Bát Tràng đã tích cực đa dạng các mặt hàng phục vụ khách hàng nội địa, thậm chí là khách hàng nông thôn nhằm cạnh tranh với hàng Trung Quốc về giá và chất lượng. Mẫu mà cũng thay đổi linh hoạt theo nhu cầu rẻ, đẹp, bền của người dân nông thôn. Công đoạn phối trộn nguyên liệu, gần đây đẩy mạnh mô hình công nghiệp tập trung, sau đó bán lại cho các hộ tạo hình, trang trí và hoàn thiện các công đoạn cuối. Năm ngoái đến nay, không những trộn máy, các cơ sở này còn làm thêm công đoạn khử từ để tách sắt ra khỏi nguyên liệu.

Làng gốm Bát Tràng vượt khó - Ảnh 3

Du lịch mua sắm tại làng nghề Bát Tràng.

Trước những khó khăn đang phải đối mặt của các làng nghề nói chung và Bát Tràng nói riêng, trong những năm qua bằng nguồn kinh phí khuyến công Thành phố, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều chương trình, đề án giúp các doanh nghiệp, các hộ sản xuất, kinh doanh làng nghề Bát Tràng phát triển. Các chương trình hỗ trợ tập trung vào các nội dung như: Đào tạo nghề cho lao động, hỗ trợ đầu tư đổi mới thiết bị, tổ chức cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước... Trong 3 năm vừa qua đã có hàng trăm lao động làng nghề được đào tạo, hàng chục cán bộ kỹ thuật được tập huấn nâng cao kỹ năng thiết kế mẫu mã sản phẩm, hàng chục lượt doanh nghiệp được hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm chuyên ngành thủ công mỹ nghệ trong và ngoài nước, nhiều cơ sở sản xuất được hỗ trợ đầu tư đổi mới thiết bị, kết quả từ các chương trình này góp phần tích cực giúp Bát Tràng vượt qua giai đoạn khó khăn. Bên cạnh việc hỗ trợ từ Thành phố, các hộ kinh doanh cũng phải tự xoay sở, bằng cách đẩy mạnh việc tìm kiếm khách hàng. Nếu như trước đây, khách hàng tự tìm đến Bát Tràng, thì nay các doanh nghiệp đã phải tự trở thành "kênh phân phối", tìm kiếm và đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Giấc mơ một công viên làng nghề

Bát Tràng có lợi thế lớn về du lịch làng nghề, đây cũng là hướng phát triển mà địa phương hướng tới. Những đợt cao điểm, mỗi ngày Bát Tràng thu hút khoảng 500 - 700 khách du lịch quốc tế và hàng trăm khách nội địa. Khách du lịch tham quan làng nghề thường mua luôn sản phẩm, vì vậy ngoài việc tập trung vào sản xuất, Bát Tràng còn có trên 100 cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm.

Làng gốm Bát Tràng vượt khó - Ảnh 4

Sản phẩm của làng nghề Bát Tràng.

Tuy vậy, Bát Tràng vẫn còn nhiều khó khăn, chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế du lịch làng nghề, đặc biệt do cơ sở vật chất phục vụ du lịch còn hạn chế. Ông Lê Xuân Phổ cho hay, hằng năm, Bát Tràng đón một lượng lớn khách đến tham quan mua sắm. Vậy mà nhiều khi khách về đông quá, nhất là khách du lịch nước ngoài muốn ở lại Bát Tràng qua đêm để được xem thực tế cảnh đốt lò nung gốm, địa phương cũng không thể đáp ứng được vì thiếu chỗ ăn, nghỉ. Việc một số cơ sở sản xuất vẫn gây ô nhiễm môi trường cũng làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch.

Hiện tại, UBND TP Hà Nội và các sở, ngành liên quan cũng đang đẩy nhanh tiến độ 2 dự án khôi phục, bảo tồn làng cổ và phát triển du lịch làng nghề Bát Tràng. "Nếu được UBND TP tạo điều kiện cấp đất qui hoạch khu du lịch (bao gồm cả các hạng mục như sân chơi, nhà nghỉ, trung tâm thương mại, chỗ ăn, chỗ ở…) để xây dựng Bát Tràng trở thành một "công viên làng nghề" thì chúng tôi rất vui, đây là mong muốn của tất cả người dân địa phương" - ông Phổ kiến nghị.

Làng gốm Bát Tràng vượt khó - Ảnh 5

Một khó khăn nữa của làng nghề là đào tạo lớp nghệ nhân mới. Mặc dù là làng nghề phát triển bậc nhất nhưng Bát Tràng cũng rơi vào cảnh thiếu nguồn lao động có tay nghề. Hiện nay, các hộ sản xuất chủ yếu làm theo phương thức cha truyền con nối, phục hồi vốn cổ, mẫu do khách đặt, tự thiết kế... nên sản phẩm còn đơn điệu. Việc khôi  phục lại cách thức và công nghệ sản xuất gốm thủ công truyền thống cũng được Hội Gốm sứ Bát Tràng xác định là yếu tố quan trọng để thu hút khách du lịch, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Nhưng đến nay, cả xã chỉ còn 1 cơ sở duy nhất sản xuất hoàn toàn thủ công. Vừa qua, Trung tâm Khuyến công và tư vấn PTCN (Sở Công Thương Hà Nội) đã phối hợp với Hội Gốm sứ Bát Tràng tổ chức tập huấn nâng cao kỹ thuật thiết kế mẫu sản phẩm gốm sứ cho 80 học viên là các chủ hộ sản xuất, chủ doanh nghiệp, nhà thiết kế tại làng nghề.

Với những nỗ lực của các hộ sản xuất kinh doanh, sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương và nhất là sự quan tâm, giúp đỡ tạo điều kiện kịp thời của thành phố, hy vọng làng gốm Bát Tràng sẽ sớm vượt qua khó khăn, và đặc biệt giấc mơ "công viên làng nghề" sẽ không quá xa vời với Bát Tràng.