Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làng Hòa Bình quận Thanh Xuân: nơi gieo mầm nhân ái

Mai Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làng Hòa Bình (quận Thanh Xuân) thuộc Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho những em nhỏ nhiễm chất độc da cam/dioxin và khuyết tật trí tuệ. Từ đây, nhiều em đã trưởng thành, tự lập và tham gia đóng góp cho xã hội.

Thắp lên hy vọng

Làng Hòa Bình Thanh Xuân được thành lập từ năm 1991, do Làng Hòa Bình quốc tế Oberhauzen và Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức giúp đỡ xây dựng cơ sở vật chất ban đầu.

“Làng Hòa Bình ra đời với nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị cho trẻ khuyết tật do ảnh hưởng chất độc da cam dioxin và các nguyên nhân khác” - bà Chu Thị Lan - Phó Trưởng làng Hòa Bình Thanh Xuân chia sẻ.

Các em được cô giáo hướng dẫn vận động thể chất.
Các em được cô giáo hướng dẫn vận động thể chất.

Làng Hòa Bình Thanh Xuân hiện có 16 cán bộ làm việc trực tiếp, chăm sóc cả bán trú và nội trú cho hàng chục em nhỏ. Các em tại đây vừa được hưởng sự chăm sóc y tế để phục hồi chức năng, vừa được tiếp nhận giáo dục đặc biệt.

“Là nạn nhân chất độc da cam hoặc khuyết tật trí tuệ nên các em tại Làng Hòa Bình Thanh Xuân chậm phát triển, mang trong mình nhiều bệnh. Chính vì vậy, các em sẽ được can thiệp phục hồi chức năng về ngôn ngữ, về vận động hoặc về tâm lý như tập phát âm, cách nói, cách diễn đạt, cải thiện sự khéo léo của ngón tay, bàn tay, mắt, cải thiện tinh thần” - bác sĩ Nguyễn Mạnh Tú chia sẻ.

Giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Không chỉ được phục hồi chức năng, các em nhỏ tại Làng Hòa Bình Thanh Xuân còn được giáo dục đặc biệt. Hơn 26 năm qua, chị Nguyễn Thị Cánh - giáo viên dạy trẻ đặc biệt, tình nguyện trở thành “mẹ”, bù đắp tình cảm, nuôi dạy những đứa trẻ thiệt thòi.

Chị Nguyễn Thị Cánh tâm sự, ngày mới vào Làng Hòa Bình Thanh Xuân, nhìn những đứa trẻ sống trong đau đớn, vật vã, đập đầu vào tường chị đã khóc rất nhiều. Khóc vì thương, vì đau đớn trước nỗi bất hạnh quá lớn của các con, khóc vì sợ bản thân sẽ chẳng kham nổi công việc này. Nhưng rồi, khi nhìn ánh mắt ngơ ngác của các con, chị lại tự nhủ mình phải cố gắng.

Cô Cánh hướng dẫn các em học văn hóa.
Cô Cánh hướng dẫn các em học văn hóa.

“Tôi luôn nghĩ mình có cuộc sống hòa bình như hôm nay phải cảm ơn bố mẹ, ông bà của các bạn. Làng Hòa Bình Thanh Xuân và các em cũng là tấm gương để chúng ta nhìn thấy sự yêu chuộng hòa bình. Đây là công việc để mình tri ân và biết ơn các thế hệ đi trước, đã hy sinh thân mình ngoài chiến trường để mình có cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay” - chị Cánh trải lòng.

Ở làng Hòa Bình, tùy theo mức độ nhận thức, khả năng phát triển của trẻ mà các em được xếp vào 5 nhóm lớp khác nhau. Việc giáo dục đặc biệt không chỉ giúp các em hòa nhập với cộng đồng mà còn thực hiện khát vọng tự lo cho mình, giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

Trong số những trẻ khuyết tật được học tập tại làng Hòa Bình có nhiều em đã trưởng thành, tốt nghiệp các bậc học. Các em không ngừng cố gắng rèn luyện, học tập và làm việc những ngành nghề khác nhau với mong muốn đóng góp và sống có ích cho cuộc đời.

Kể từ ngày đầu thành lập, sứ mệnh cao cả của làng Hòa Bình là chăm sóc tận tình, phục hồi chức năng toàn diện, giáo dục đặc biệt cho những đứa trẻ mang trong mình hậu quả của chất độc màu da cam. Đến nay, làng Hòa Bình còn tiếp nhận thêm nhiều trẻ em bị khuyết tật bởi các nguyên nhân khác nhau. Khi sống tại đây, các em đã có những tiến bộ vượt bậc, không chỉ về mặt thể chất mà còn về khả năng nhận thức và tinh thần, một hành trình đầy ý nghĩa và hy vọng.

“Tại Làng Hòa Bình Thanh Xuân, chúng tôi đối mặt với những thách thức khi hầu hết em nhỏ đều mang trong mình những khuyết tật nặng nề. Những khó khăn ấy đã trở thành động lực, giúp chúng tôi không ngừng nỗ lực hơn nữa trong việc can thiệp và phục hồi chức năng. 

Qua đó, giúp các em hạn chế phụ thuộc vào gia đình và mọi người xung quanh, từng bước hòa nhập vào cộng đồng. Đó là hành trình mà chúng tôi cam kết theo đuổi, một hành trình đầy yêu thương và hy vọng cho mỗi đứa trẻ tại Làng Hòa BìnhThanh Xuân" - bà Chu Thị Lan cho biết thêm.

Sự kết hợp giữa mô hình bệnh viện và mô hình giáo dục đã giúp cuộc sống của những trẻ thiếu may mắn ở làng Hòa Bình Thanh Xuân thêm phần ấm áp hơn, giúp các em vững bước trên con đường gập ghềnh khó khăn, giảm bớt mặc cảm, tự ti và dễ dàng hòa nhập cộng đồng.