Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh:

Làng hoa mai Bình Lợi tất bật đón Tết Quý Mão 2023

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 cận kề cũng là lúc những người trồng hoa kiểng tất bật chuẩn bị đưa sản phẩm ra thị trường.

Trở thành tỷ phú nhờ chuyển đổi cây trồng

Những ngày này, dọc theo tuyến đường Vườn Thơm, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, không khí Tết đã hiện rõ khi nhà nhà hối hả đưa những chậu mai “chiến” ra trước cửa để chuẩn bị chở đi bán.

Cánh đồng hoa mai rộng hàng trăm ha ở xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh.
Cánh đồng hoa mai rộng hàng trăm ha ở xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh.

Anh Dương Đức Xuyên (SN 1978, Phó Giám đốc HTX Hoa mai vàng Bình Lợi) cho biết, việc các gia đình có nhà ở mặt tiền đưa những chậu hoa kiểng đẹp nhất trong vườn nhà ra trưng đã trở thành thông lệ gần chục năm nay.

“Vùng này là đất phèn, đa phần người dân làm nghề nông, cây trồng chủ yếu là mía. Cha mẹ tôi có 4 người con nhưng chỉ có 1ha đất (10.000m2), trước kia trồng mía, đến năm 2003 phải bỏ mía vì cứ trồng là lỗ. Nhiều gia thời điểm đó vẫn hy vọng giá mía sẽ tăng nên tiếp tục nuôi, nhưng đến vụ mía 2006 - 2007 không ai mua. Thậm chí muốn cho người ta mà mình phải bỏ 3 triệu đồng để họ đốn bỏ. Nếu họ không lấy, mình mất 8 triệu đồng để đem đổ bỏ ngoài bờ kênh” - anh Xuyên kể lại.

Khi giá mía xuống quá thấp, anh Xuyên quyết định chuyển sang trồng củ riềng, kết hợp trồng mai.  Anh dành 5 sào (5.000m2) trồng củ riềng, diện tích còn lại trồng mai. Củ riềng trồng 12 tháng cho thu hoạch khoảng 20 tấn/ha, nếu để 18 tháng sẽ thu 30 tấn/ha.

Vì vậy, từ năm 2008 nhiều nông dân xã Bình Lợi bỏ hẳn cây mía để trồng củ riềng và mai. Trồng củ riềng mỗi năm thu hoạch 1 lần, lời vài chục triệu đồng/ha, sau 2 vụ nhà nào cũng lời to, đến giữa năm thứ ba khi hoa mai phát triển thì bán mai, thu thêm số tiền rất lớn. Việc trồng xen như trên là cách lấy ngắn nuôi dài của bà con nông dân xã Bình Lợi và vùng lân cận.

Trường hợp khác là ông Nguyễn Bảo Toàn (SN 1960 - Chi hội trưởng Nông dân ấp 3, xã Bình Lợi) cho biết, nhà ông chỉ có 2ha đất trồng mía. Khi mía xuống giá, ông cũng chuyển sang trồng củ riềng, đến năm 2013 - 2014 củ riềng cũng mất giá, gia đình ông chuyển hẳn sang trồng hoa mai. Ông Toàn còn vận động nhiều hộ khác chuyển đổi cây trồng.

Chỉ với 2ha trồng hoa mai, sau khi trừ chi phí đầu tư khoảng 200 triệu đồng/ha, trả lương cho 2 lao động thường xuyên mỗi người 120 triệu đồng/năm, gia đình ông Toàn vẫn lời 1,2 tỷ đồng/ha hoa mai.

Tương tự là anh Trần Ngọc Sang (SN 1975, ngụ ấp 3, xã Bình Lợi) cũng chỉ với 2ha đất trồng mía, anh cũng chuyển qua trồng hoa mai. Sau khi trừ hết chi phí, nhân công, mỗi năm lời hơn 1 tỷ đồng/ha hoa mai, trở thành tỷ phú.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển bền vững

Bà Phan Thị Thanh Công - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lợi cho biết: “Tổng diện tích toàn xã khoảng 1.900ha, trong đó 80% là đất nông nghiệp, xã có 892 hội viên Nông dân. Bà con vùng này trước kia trồng mía rồi trồng củ riềng. Khi củ riềng mất giá vào năm 2013 - 2014, đời sống nông dân lại gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy nhu cầu người dân TP và một số tỉnh chơi hoa mai, nhiều hộ mạnh dạn chuyển hẳn sang trồng mai như ông Xuyên, ông Toàn, ông Sang, ông Thêm…”.

Anh Dương Đức Xuyên bên vườn mai của mình.
Anh Dương Đức Xuyên bên vườn mai của mình.

Cũng theo bà Thanh Công, năm 2013 - 2014 xã chỉ có vài chục hộ trồng mai. Đến 2018, khi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, xã thành lập HTX Hoa mai vàng Bình Lợi nhằm góp phần hoàn thiện tiêu chí 13, đến nay xã Bình Lợi đã được công nhận Nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.

Theo anh Dương Đức Xuyên, từ 1ha đất, sau quá trình chuyển đổi cây trồng, tích lũy tiền lời đến năm 2012, gia đình anh mua đất rừng, đất trồng tràm, đất hoang… đến nay, gia đình anh đã sở hữu 9ha đất tại huyện Bình Chánh, và thuê thêm 9ha đất ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An để trồng 80.000 cây mai.

"Hàng năm, sau khi trừ chi phí, lương và thưởng cho 50 lao động thường xuyên (10 triệu đồng/người/tháng, được bao ăn, ở và điện nước sinh hoạt), gia đình tôi vẫn lời hơn 2,5 tỷ đồng" - anh Xuyên tiết lộ.

Lý do tại sao diện tích trồng mai lớn hơn của ông Toàn (2ha), ông Sang (2ha), ông Thêm (2ha)…, nhưng chỉ lời hơn 2,5 tỷ đồng mỗi năm? Anh Xuyên giải thích, vì những hộ kia bán mão cả vườn, còn nhà anh chỉ bán hoa mai theo gốc, tán, thế cây và hoa.

Không những “dám nghĩ, dám làm” nhằm phát triển kinh tế gia đình, những nông dân trồng mai ở xã Bình Lợi còn không ngừng sáng tạo, cải tiến máy móc áp dụng vào việc trồng trọt. Năm 2017, anh Xuyên mua máy xới mini với giá từ 3,5 - 7 triệu đồng/máy, hoạt động theo nguyên tắc xới 2 chiều.

Anh Xuyên “độ” lại lưỡi xới đánh đất 1 chiều, cắt nhỏ giàn xới cho máy lòn được vào giữa 2 hàng mai để vun gốc, nâng hiệu quả ngày công tăng lên gấp 10 lần so với vun gốc bằng tay. Với chiếc máy xới cải tiến, anh Xuyên đạt giải khuyến khích hội thi “Kiến thức và sáng tạo nhà nông” năm 2017.

Tương tự, anh Trần Ngọc Sang nhìn thấy người dân mỗi lần phun thuốc cho hoa mai, phải đeo bình 20 lít nhưng chỉ phun được 2.000m2/ngày. Do đó, anh đã nghiên cứu tạo ra máy phun thuốc sử dụng bằng bình ắc quy, trọng lượng nhẹ để người già, phụ nữ có thể đeo trên vai xịt nhanh hơn loại máy cũ, nhà nào có 1ha chỉ xịt trong 1 ngày. 

Từ hiệu quả của máy phun thuốc, anh Sang lắp rắp trên 50 máy bán lại cho người dân với giá từ 1,5 - 1,8 triệu đồng/máy, tương đương một chiếc bình phun thuốc 20 lít nhưng hiệu quả gấp nhiều lần.

Làm giàu vẫn không quên bảo vệ môi trường

Khi kinh tế đã phát triển, không ít nông dân xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh tham gia hỗ trợ cộng đồng.

Bà Phan Thị Thanh Công - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lợi, hào hứng cho biết: “Tất cả xã viên của HTX Hoa mai vàng Bình Lợi đều thực hiện công tác an sinh xã hội. Anh Xuyên, chú Toàn, anh Thêm, anh Sang, anh Thuyết… rất nhiệt tình tư vấn cách trồng và chăm sóc hoa mai cho người dân. Song song đó, họ còn bán thiếu thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân, đến khi bán mai mới thu tiền; giúp đỡ hộ nghèo, hộ chính sách ở địa phương vượt nghèo, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hàng năm, vào những ngày lễ, Tết các xã viên tự nguyện góp hàng nghìn phần quà với số tiền hàng trăm triệu đồng tặng bà con".

Bà Thanh Công cho biết thêm, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, tất cả những nông dân thành công với cây mai không những tham gia công tác phòng chống dịch, mà còn chở miễn phí người bệnh đi bệnh viện, chở nhu yếu phẩm, hỗ trợ cơm, mì gói, nước uống, tiền điện… cho người dân trong xã và chốt dân phòng với số tiền vài trăm triệu đồng.

Ngoài việc làm kinh tế giỏi, đóng góp cho xã hội, HTX Hoa mai Bình Lợi còn đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, như: Vận động góp kinh phí dọn cỏ, dọn rác trên kênh, góp tiền duy trì hoạt động máy bơm tự chế hút nước ra kênh Trầm Lầy 1, 2, kênh 4, 6…, để tránh ngập úng trong sản xuất, với số tiền 110 triệu đồng. Phối hợp phát động phong trào “Trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, trồng 100 cây liêm xẹt, hàng trăm cây mai vàng trên tuyến đường Vườn Thơm.

HTX Hoa mai Bình Lợi còn vận động các hộ dân trang bị 1.345 thùng rác dọc tuyến đường Vườn Thơm, đường lô 2 gần 200 triệu đồng nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường. Đặc biệt, HTX phối hợp với Hội Nông dân xã thực hiện mô hình “Cánh đồng không bao bì thuốc bảo vệ thực vật” trên diện tích 50ha tại ấp 3, với phương thức người dân nào nhặt được vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật cứ gom lại đến khi nhiều, đem đến cửa hàng của anh Trần Ngọc Sang đổi lấy bình xịt, áo thun, tập vở…

Nhờ vào những thành tích trên, trong năm 2022 toàn TP có 28 gương “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, nhưng riêng xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh có tới 5 người được Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh bình bầu danh hiệu này, gồm: Dương Đức Xuyên, Trần Ngọc Sang, Nguyễn Bảo Toàn, Nguyễn Văn Thêm và anh Lâm Hồng Thuyết.

 

Toàn xã trồng 500ha hoa mai vàng

Bà Phan Thị Thanh Công - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lợi cho biết: “Hiện xã Bình Lợi có 400 hộ trồng mai trên diện tích khoảng 500ha, có duy nhất HTX Mai vàng Bình Lợi với 24 xã viên, và 5 tổ hợp tác, trồng mai trên diện tích khoảng 150ha.

Ngoài cây mai, một số hộ trồng thêm cây chanh, củ riềng và phát triển thêm mô hình nuôi cá KOI, trong đó hoa mai và cá KOI là hai sản vật chủ yếu của nông dân xã. Từ khi người dân bỏ mía chuyển sang trồng củ riềng, rồi trồng mai và nuôi cá kiểng, đời sống kinh tế ngày càng nâng cao. Đối với cây mai vàng, năm nay các hộ dân chủ yếu bán tại vườn, chỉ đưa một số ít trưng bày tại các hội chợ nhằm giới thiệu sản phẩm của địa phương”.