Trước diễn biến thời tiết ngày càng khắc nghiệt, để hoa nở đúng vụ Tết và giữ được chất lượng tốt, người dân làng Tây Tựu đã chủ động nhiều biện pháp kỹ thuật để cho ra thị trường những bông hoa đẹp nhất.
Nhiều cách làm hay ứng phó với thời tiết
Một ngày cuối năm 2023, làng hoa Tây Tựu đón những vị khách đặc biệt đến từ Nhật Bản học hỏi kinh nghiệm trồng hoa tại đây.
“Tây Tựu là làng hoa lớn và truyền thống lâu đời của quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Chúng tôi chọn tới đây vào dịp gần Tết là thời điểm bà con nông dân tập trung sản xuất nhiều nhất, với mong muốn học tập những kinh nghiệm tốt của người dân Tây Tựu. Tôi sẽ đưa những kinh nghiệm quý này về chia sẻ lại với người trồng hoa ở quê hương tôi” - GS.TS Tsuji Kazunari - giảng viên Đại học Saga, Nhật Bản cho biết.
Thời tiết năm nay được xem là không thuận lợi với người dân trồng hoa trong vụ Tết. Nắng và nồm ẩm thời gian qua khiến hoa dễ nở trước vụ mùa. Để ứng phó với thời tiết, người dân nơi đây áp dụng những cách làm hay để giữ được hoa.
Theo ông Đinh Duy Hòa (phường Tây Tựu), để giữ được hoa Tết, phương pháp của ông là chia hoa thành nhiều lứa theo kiểu cuốn chiếu. Ví dụ, gia đình ông có 5 sào hoa, ông sẽ chia làm 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn một sào.
Còn phương pháp của bà Nguyễn Thị Liên (phường Tây Tựu) áp dụng cách bọc báo để cánh hoa hồng nở dài và đẹp hơn. Nếu thời tiết lạnh khoảng 2-3 ngày, bà mới cắt hoa, còn thời tiết nắng ấm, cứ cách ngày, bà Liên lại cắt hoa một lần.
Theo các hộ dân, trồng hoa cho dịp Tết cần phải tính toán kỹ lưỡng thời gian sinh trưởng, phát triển, tránh để hoa nở trước hoặc sau Tết quá xa, sẽ không được giá. Ví dụ, cúc thường là 3 tháng sẽ thu hoạch nhưng nếu rét thì 3,5 tháng. Hầu hết hoa Tây Tựu không được trồng trong nhà kính, nhà lưới nên việc ra hoa phụ thuộc nhiều vào thời tiết.
Vốn gắn bó với nghề trồng hoa từ năm 1990, ngoài mấy sào hoa phục vụ đúng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, ông Đặng Trần Hoạch (phường Tây Tựu) còn trồng thêm 5 sào hoa cúc để thu hoạch vào dịp Rằm tháng Giêng.
Chia sẻ về giá cả, ông Hoạch cho biết: “Người nông dân chỉ biết sản xuất còn giá phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ. Nếu thời tiết đẹp, cho năng suất cao, hoa nhiều nhưng giá cả thấp. Còn về mùa Hè, chăm hoa khó hơn nhưng giá cả lại cao. Vườn cúc nhà tôi nếu cho bông đẹp thì các thương lái sẽ tự tìm đến mua và chở đến các tỉnh thành khác”.
Phó Chủ tịch UBND phường Tây Tựu Đoàn Mạnh Hùng cho biết, năm 2023, kinh tế của địa phương ước tăng 13%, tập trung phát triển kinh tế theo hướng nông nghiệp - dịch vụ - thương mại. Phường chú trọng khai thác thế mạnh của địa phương là nông nghiệp trồng hoa, khuyến khích Nhân dân gieo trồng các giống hoa có giá trị chất lượng thành phẩm cao, như hoa ly, hoa đồng tiền, hoa loa kèn....
Tỷ lệ hộ gia đình trồng hoa khoảng 57%; thu nhập bình quân trên người tăng ước 52 triệu đồng/người/năm. Giá trị sản xuất ước đạt 820 triệu/ha. Với diện tích hơn 701 ha trồng hoa (trong đó, 415 ha trồng hoa là diện tích thuê ngoài, 283,4ha trồng hoa là diện tích đất địa phương), làng hoa Tây Tựu đã và đang mang đến sự no ấm cho các hộ dân nơi đây, góp phần làm giàu trên cánh đồng quê hương.
Áp dụng khoa học kỹ thuật, giữ vững lợi thế
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Tây Tựu, năm 2023, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến khoa học kỹ thuật cho Nhân dân, và đặc biệt là hỗ trợ người dân những khoa học kỹ thuật mới; tổ chức các lớp tập huấn cho hợp tác xã, người dân trồng hoa giúp họ có thêm nhiều kiến thức để trồng hoa có hiệu quả và đạt chất lượng cao hơn.
Trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, làng nghề hoa Tây Tựu đang tập trung tuyên truyền rộng rãi để hoa Tây Tựu tiếp tục lan tỏa đến các địa phương trong cả nước và cung ứng cho thị trường nhiều hoa đẹp như: Hồng, cúc, ly, đồng tiền…
Năm nay, Tây Tựu được mùa hoa. Nếu cách đây một tháng, giá hoa bị xem là rẻ hơn năm ngoái thì thời điểm này mức giá đã tiệm cận các năm trước. Với diện tích hơn 701 ha trồng hoa trong và ngoài địa phương, đây là nơi cung cấp chính các loài hoa truyền thống cho toàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Nếu thời tiết ủng hộ cộng thêm sự chủ động về kỹ thuật, bà con đang chờ đợi một mùa hoa thắng lợi.
Để có đủ sức cạnh tranh với những loại hoa khác trên thị trường, làng hoa Tây Tựu xác định tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật.
“Đặc biệt, Tây Tựu đưa khoa học kỹ thuật cao vào trồng và chăm sóc hoa để có được nhiều giống hoa chất lượng. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục học hỏi kinh nghiệm các địa phương khác. Ngoài việc hỗ trợ người nông dân trồng hoa về mặt kỹ thuật, chính quyền cũng đẩy mạnh các kênh thông tin tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử, các trang mạng thông tin xã hội chính thống như zalo, fanpage, Facebook để khách thập phương và Nhân dân Thủ đô biết đến nhiều hơn và có cơ hội được thưởng thức hoa Tây Tựu trong dịp Tết và lễ hội Xuân” - ông Hùng cho hay.
Thời gian tới, phường sẽ có nhiều chương trình phối hợp để mở nhiều gian hàng tại các hội chợ, triển lãm nhằm đẩy mạnh quảng bá thương hiệu hoa Tây Tựu trên địa bàn Thủ đô và cả nước.
Những năm gần đây, để bảo đảm vệ sinh môi trường, phường Tây Tựu luôn tuyên truyền, phổ biến cách chăm sóc hoa, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sử dụng sản phẩm phân bón bằng cây đỗ tương. Ngoài ra, tại ngã tư các xứ đồng, địa phương đều cho xây bể chứa rác thải.
Với những hộ ở xa điểm tập kết rác, các hợp tác xã còn vận động người dân sắm thùng để rác ở đầu ruộng, tránh việc vứt rác bừa bãi. Thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, hiện nay, trên các cánh đồng hoa của phường Tây Tựu không còn tình trạng rác vứt bừa bãi. Thay vào đó là những con đường bê tông phẳng phiu nối dài từ làng ra ruộng dẫn tới những luống hoa đa sắc màu đang thi nhau khoe sắc.
UBND phường đã gửi hồ sơ xin phép sử dụng địa danh “Tây Tựu” để đăng ký nhãn hiệu “Hoa Tây Tựu” và được TP Hà Nội cho phép Hợp tác xã thương mại và dịch vụ hoa Tây Tựu sử dụng địa danh “Tây Tựu” để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Hoa Tây Tựu” cho du lịch, dịch vụ mua bán và sản phẩm hoa tươi của phường Tây Tựu.
Chủ tịch UBND phường Tây Tựu Nguyễn Quang Thậm