Thu nhập ổn định nhờ nghề truyền thống
Khi nhắc tới làng hương, chắc hẳn chúng ta sẽ nghĩ tới làng hương Thuỷ Xuân nổi tiếng tại xứ Huế mộng mơ. Tuy nhiên, ít ai biết rằng chỉ cách thủ đô Hà Nội khoảng 35km, chúng ta đã có thể đặt chân tới một làng hương cũng mang vẻ đẹp độc đáo mới lạ, đó là làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu, thuộc thôn Cầu Bầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hoà.
Làng Cầu Bầu đã trường tồn hơn 100 năm qua, nổi danh với nghề sản xuất tăm hương, cung ứng khắp các tỉnh thành trên cả nước cũng như xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia… Ban đầu, nghề làm tăm hương vốn được coi là nghề phụ để người dân tranh thủ làm lúc nông nhàn. Thế rồi dần dần duy trì và phát triển, đến nay, nghề này đã trở thành công việc đem lại thu nhập chính cho người dân nơi đây.
Từng có thâm niên gần 20 năm gắn bó với nghề làm tăm hương, chị Lê Thị Anh chia sẻ: Quen tay với nghề truyền thống của gia đình từ thuở lên 9, lên 10, nên tôi luôn mong muốn gìn giữ nghề và “sống khỏe” bằng nghề. Trước kia, việc làm hương hoàn toàn thủ công nên khá vất vả nhưng hiện nay, nhờ áp dụng máy móc, công nghệ hiện đại nên thành phẩm hương được tạo ra đều và đẹp hơn, năng suất cũng được cải thiện đáng kể.
Ở làng, rất ít người làm hương thành phẩm mà chủ yếu là làm tăm hương, chân hương với các công đoạn như vót tăm, nhuộm chân còn công đoạn se hương sẽ chuyển đến các xưởng to làm. Nguyên liệu để làm chân hương chủ yếu là tre, vầu.
“Trung bình mỗi tháng, cơ sở của gia đình tôi sản xuất khoảng 10 tấn hương thành phẩm và xuất khẩu khoảng 15 tấn mỗi chuyến. Nhờ đó, thu nhập của gia đình luôn duy trì ở mức ổn định. Ngoài ra, cơ sở còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với ngày công trung bình từ 200.000 - 400.000 đồng/ngày (khoán theo sản phẩm)" - chị Lê Thị Anh bộc bạch
Chân hương được sắp thành từng bó, rồi nhuộm, phơi nắng. Ảnh: Đoàn Thảo Nguyên
Theo Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu Nguyễn Hữu Nhất, mặc dù làm nghề trải qua nhiều thăng trầm, nhưng nhiều hộ gia đình nơi đây vẫn luôn cố gắng duy trì sản xuất và phát huy làng nghề truyền thống, qua đó, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 62,5 triệu đồng/người; dự kiến đến hết năm 2023, bình quân thu nhập đầu người sẽ đạt xấp xỉ 70 triệu đồng/người.
Tuy có được nguồn thu nhập ổn định từ nghề làm tăm hương, song người dân Quảng Phú Cầu cũng gặp không ít vất vả bởi nghề này phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Chỉ những ngày nắng ráo mới phơi được hương, nếu chân hương dính nước mưa sẽ bị ẩm mốc và không thể sử dụng được. Hơn nữa, làm nghề này cũng phải đầu tư vốn tương đối lớn để hình thành cơ sở chuyên nghiệp, nếu không cân bằng được đầu ra, kinh doanh rất dễ thua lỗ, có nguy cơ phá sản cao.
Hướng phát triển kinh tế mới từ quảng bá du lịch
Những năm đây, làng hương Quảng Phú Cầu đã trở thành điểm du lịch, tham quan hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước. Nhằm tăng cường quảng bá du lịch, thương hiệu cho làng nghề, các chủ cơ sở đã tận dụng một góc sân, tỉ mỉ xếp những bó chân hương thành biểu tượng, bông hoa, ngôi sao 5 cánh hay bản đồ hình chữ S Việt Nam tạo nên không gian check- in mới lạ, bắt mắt, ý nghĩa thu hút du khách tới tham quan, chụp ảnh, trải nghiệm.
Khách du lịch thích thú, lưu giữ khoảnh khắc đẹp tại điểm check-in làng hương Quảng Phú Cầu. Ảnh: Đoàn Thảo Nguyên
Tất bật từ 5 giờ sáng, những người công nhân đã luôn tay xoay tròn những bó tăm hương để phơi cho kịp ngày nắng, đồng thời phục vụ nhu cầu chụp ảnh của du khách tới tham quan.
Thống kê của UBND xã Quảng Phú Cầu cho thấy: Tính từ tháng 2/2023 (thời điểm khánh thành điểm check-in) đến nay, trung bình mỗi ngày, Quảng Phú Cầu đón hơn 100 lượt khách du lịch tới thăm quan; những dịp nghỉ lễ, hay thời tiết dịu mát, lượng khách tăng lên tới 200 khách/ngày.
Không giấu được niềm vui khi khách du lịch đến check- in ngày một đông, nghệ nhân Nguyễn Hữu Long cho hay: “Cơ sở của gia đình tôi là tiên phong đầu tư vào phát triển kinh tế kép (sản xuất kết hợp du lịch). Khách vào tham quan, chụp ảnh, gia đình tôi chỉ thu 50.000 đồng/người/lượt. Việc làm này vừa tạo thêm thu nhập, vừa quảng bá thương hiệu làng nghề nên cũng có một vài hộ gia đình khác đang triển khai mô hình tương tự.
Đặc biệt, đến với làng nghề du khách có thể ghé thăm các cơ sở sản xuất tăm hương lâu đời để được chứng kiến và trải nghiệm thực tế quy trình sản xuất tăm hương của người địa phương.
Từng rong ruổi trên nhiều nẻo đường, thưởng lãm không ít thắng cảnh của Việt Nam, song đây là lần đầu tiên cặp vợ chồng Veronia và Adrian (khách du lịch từ Romania) đến với làng hương Quảng Phú Cầu. Họ rất ấn tượng với những bức hình về ngôi làng sản xuất tăm hương Quảng Phú Cầu xuất hiện trên mạng xã hội, đó là lí do đưa họ đến nơi này.
“Chúng tôi đã sử dụng hương nhưng không hề hiểu hết về giá trị của nó cho đến khi đến đây, được trải nghiệm làm hương, chúng tôi mới mới hiểu công việc làm hương vất vả và những giá trị đáng trân trọng.” – Adrian chia sẻ.
Chị Nguyễn Mai Dung (35 tuổi, Hà Nội), là hướng dẫn viên du lịch thường xuyên dẫn các du khách nước ngoài tới thăm quan các làng nghề tại Hà Nội cho hay: “Tôi cho rằng đây cũng là một cách quảng bá văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Hơn nữa, tôi muốn các bạn du khách nước ngoài sẽ được trực tiếp trải nghiệm làm nghề truyền thống giống người dân bản xứ để họ có thể hiểu hơn về văn hoá, giá trị, hơi thở cuộc sống của làng nghề”.
Ngày nay, du lịch làng nghề đang ngày càng được ưa chuộng bởi loại hình du lịch văn hóa tổng hợp về nhiều mặt. Du khách đến với làng hương Quảng Phú Cầu không chỉ hiểu được giá trị văn hóa mà còn được trải nghiệm công đoạn làm nghề thú vị, mua sắm các sản phẩm đặc trưng và hấp dẫn nhất là sở hữu vô vàn bức ảnh check-in độc đáo, đa sắc.
Toàn xã có 6 thôn thì cả 6 thôn đều được công nhận là làng nghề. Tại đình Bầu, UBND xã đang triển khai thí điểm mô hình quảng bá làng nghề và tạo hình từ tăm hương thành điểm check-in phục vụ du khách tham quan, chụp ảnh, trải nghiệm, qua đó tạo ấn tượng đẹp trong khách thập phương về xã Quảng Phú Cầu cũng như huyện Ứng Hòa.
Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu Nguyễn Hữu Nhất