Điều kỳ diệu từ tình thương
Làng Hữu nghị Việt Nam hiện có 5 gia đình lớn do 8 mẹ đảm nhiệm. Dù hầu hết đều có gia đình riêng nhưng ngoài tình cảm dành cho chồng, con, các mẹ còn dành tình thương cho 20 đứa con kém may mắn khác. Tất cả các con đều bị bệnh, nhẹ thì mù, câm điếc, nặng thì thiểu năng trí tuệ, tự kỷ... Có chứng kiến công việc hàng ngày mới hiểu hết nỗi vất vả của họ. Buổi sáng, các mẹ gọi các con dậy, hướng dẫn làm vệ sinh cá nhân. Trẻ nào không tự đánh răng được, các mẹ sẽ dùng tay kỳ cọ thay cho bàn chải. Rồi họ cùng những đứa trẻ tinh khôn hơn gấp chăn màn, cho các con ăn sáng và đi học. Sau khi đưa đám trẻ đến lớp, các mẹ ngồi vá quần áo, thu dọn nhà cửa, công việc chẳng bao giờ hết.Hết giờ học, các mẹ đón các con về, chăm cho chúng ăn uống. Nhiều trẻ không tự xúc cơm được, các mẹ thường đặt các bé ngồi thành hàng rồi xúc lần lượt cho từng đứa. Nhiều con không nhận thức được nên khi mẹ đút cơm lại nhổ ra, thậm chí đánh, đấm cả mẹ. Rồi có con đang ăn bỗng lên cơn động kinh, co giật liên hồi khiến các mẹ phải xử lý khẩn cấp để con không cắn vào lưỡi.Buổi tối, các mẹ thường dạy thêm cho các con bị thiểu năng trí tuệ. Lũ học trò ngơ ngác, đứa quay ngang, đứa quay ngửa, nhớ nhớ, quên quên. Những giờ học nhàm chán ấy dễ làm người bình thường mất kiên nhẫn. Nhưng với ý nghĩ đi mãi cũng thành đường, cộng với quyết tâm phải giúp bằng được các con biết những khái niệm cơ bản để tự làm những công việc đơn giản như biết xúc cơm ăn, biết mặc quần áo nên dù ngày nào cũng dạy ngần ấy kiến thức nhưng chẳng mẹ nào nản lòng. Không chỉ dạy các con sống có ý thức, hòa nhập với cộng đồng, các mẹ còn là người bạn chia sẻ niềm vui nỗi buồn với đám trẻ. Em Lê Văn Đô ở Yên Bái khi nhận được tin anh trai qua đời đã bật khóc với mẹ Đặng Thị Toàn (45 tuổi, phụ trách nhà T3): “Mẹ ơi. Vậy là con chỉ còn mỗi mình bố. Mai này bố mất nốt, con biết sống với ai?”. Nhìn cậu bé gầy gò trên chiếc xe lăn, đã mất cả anh và chị vì di chứng của chất độc màu da cam quái ác, mẹ Toàn chỉ biết gạt nước mắt an ủi: “Còn có mẹ ở bên con mà!”.Mẹ Toàn chia sẻ, các con đều ngoan và rất tình cảm. Tối tối, chúng thường mắc màn cho mẹ rồi giục: “Mẹ ơi, mẹ đi ngủ kẻo muộn”. Những lúc trái nắng trở trời, các con quây quần, đứa thì hỏi thăm, đứa thì đòi nắn tay cho mẹ. Em Nguyễn Bá Hải Đăng (huyện Đông Anh, bị bệnh down) còn an ủi: “Mẹ nhanh khỏi bệnh nhé. Khi nào thành bác sĩ, con sẽ chữa bệnh cho mẹ”. Chẳng thế mà mỗi khi mẹ Toàn về nhà riêng và biết trước khoảng thời gian mẹ trở lại là chúng rủ nhau ra cổng làng, bám cánh cổng ngóng mẹ. Xoa dịu nỗi đau của những người línhNgày mới vào đây, nhìn những đứa trẻ sống trong đau đớn, vật vã, liên tục xé quần, xé áo, đập đầu vào tường…, không ít mẹ đã khóc. Khóc vì thương các con, khóc vì đau đớn trước nỗi bất hạnh quá lớn của chúng, khóc vì sợ mình sẽ chẳng kham nổi công việc. Nhưng rồi, các mẹ lại tự nhủ cố gắng làm bạn với các con, nắm bắt bệnh tật, tính tình của từng đứa rồi tìm cách chăm sóc, nuôi dạy. Lòng kiên trì của các mẹ đã giúp các bé như Nguyễn Gia Bảo, Phạm Đức Minh Hải… trước đây đi vệ sinh ở bất kỳ chỗ nào nay đã vào được nề nếp.Gắn bó với các con 15 năm, nỗi vất vả dường như đã hằn sâu trên gương mặt mẹ Trần Thị Ban (55 tuổi, phụ trách nhà T6). Mẹ Ban chia sẻ: “Tôi chỉ mong đóng góp một phần sức lực để an ủi nỗi đau của gia đình những người lính mà thôi”. “Mình chỉ giúp đỡ được gia đình các cháu một phần rất nhỏ thôi, còn ông bà, bố mẹ chúng mới thực sự khổ vì nhà nào cũng có vài người như vậy. Nhà cháu Trần Đức Tài chẳng hạn, hoàn cảnh rất thương tâm. Bị di chứng từ ông nội, bố cháu hiện sống ở Trung tâm Chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần số 2 Hà Nội, mẹ mất, cháu gần như không nhận thức được, em gái cháu cũng bị bệnh nặng” - mẹ Toàn chia sẻ.Cũng bởi rất thương các con nên có mẹ dù Tết Nguyên đán cũng chỉ ghé qua nhà thắp hương rồi lại về Làng Hữu nghị Việt Nam vì nhiều trẻ quê rất xa, tận Hà Giang, Bắc Kạn..., gia đình nghèo lại neo người, Tết vẫn không được đón về nhà. Không những vậy, nhiều mẹ dù đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn mong được tiếp tục ở lại chăm sóc các con.Nhờ sự kiên trì, nhẫn nại của các mẹ mà giờ đây phần lớn các con sống có nề nếp và ngoan ngoãn hơn, mặc cảm về nỗi bất hạnh dần được xóa bỏ.
Các con ở làng đa phần là thế hệ thứ ba, bố đã mất, mẹ bỏ đi nên thi thoảng chỉ có ông bà lên thăm. Nhiều người đến thăm cháu rồi không có tiền để đi về. Những lúc như vậy, mỗi mẹ lại góp một chút tiền trả tiền tàu xe cho các cụ. Bởi lẽ tuy nhận thức kém nhưng mỗi khi có người thân đến thăm, các con rất vui mừng. Tội nghiệp nhất là những con suốt cả năm không có người thân nào ghé thăm.Mẹ Trần Thị Ban - phụ trách nhà T6 |