Và có bao người đã mặc nhiên bỏ qua hoặc quên đi những giây phút lãng mạn, nhất là trong cuộc sống vợ chồng. Họ cho rằng, lãng mạn là một sự xa rời thực tế và không quan trọng.
Một phụ nữ tâm sự: "Hồi yêu nhau anh ấy luôn chu đáo mọi thứ. Thậm chí, mưa to nếu có việc gì cần nhờ anh ấy vẫn đội trời đến. Cưới nhau chưa đầy nửa năm đã chuyển sang trạng thái tĩnh đến bất ngờ. Nhờ chở đi mua đồ sơ sinh, anh kêu mệt. Mùng 8/3, hay 20/10 về muộn lại còn: "Ôi, bận quá anh chưa mua gì tặng em được..".
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Rơi vào hoàn cảnh ấy, khối người còn bảo may mắn vì, ít ra đức ông chồng cũng còn nhớ ngày tụn vinh chị em với một chút áy náy. Thế nhưng, cũng có người lại chép miệng, ôi dào, cuộc sống bao cái phải lo, bỏ qua khoản đó đi. Không có quà hay hoa tặng vợ thì cũng chẳng sao, cái chính là ăn ở, đối xử với nhau như nào hàng ngày.
Nói như vậy cũng không sai, bởi thực tế cuộc sống thiếu lãng mạn có chết đâu. Nhưng nếu con người ta suốt cả cuộc đời không biết bứt phá ra khỏi cái sự bận rộn, quay cuồng của công việc, hay có quan niệm đã là vợ chồng thì cần gì lãng mạn thì cuộc sống có còn đầy đủ cung bậc? Tâm lý chị em phụ nữ đều thích một chút lãng mạn trong cuộc sống vợ chồng. Sự lãng mạn ấy, có thể chỉ là một cử chỉ quan tâm nho nhỏ, ví như một vòng tay ấm áp của chồng đối với vợ khi chị nấu cơm hay một món quà nhỏ đầy ý nghĩa trong ngày lễ, hoặc một tin nhắn nhân ngày đặc biệt.
Chị Vân Thư - Công ty Sony cũng phải thừa nhận: "Dùng điện thoại và email tiện ra phết, vợ chồng có thể nói với nhau đủ ý, đủ từ, lãng mạn cứ như hồi yêu nhau". Chị bảo, tính trung bình 1 tháng có 30 ngày thì có đến 20 ngày anh đi công tác. 10 ngày còn lại thì 8 tiếng hành chính đương nhiên là giờ làm việc, không thể "xâm phạm". Từ 5 giờ chiều đến tối là họp hành, tiếp khách. Hy vọng ngày Chủ nhật được bên gia đình thì sau 1 cú điện thoại anh buồn rầu bảo vợ: “Em ơi, hôm nay anh phải họp"...
Trong hoàn cảnh đó, quả chỉ có công nghệ mới giúp được họ. Song không phải ông chồng nào cũng sẵn sàng hợp tác với thiện chí ấy. Không ít người cho rằng, họ là người trụ cột gia đình nên phải lo công lo việc thời gian đâu mà tiêu khiển "cái trò trẻ con", cứ có nhiều tiền về đưa cho vợ là được.
Cuộc sống của chị Minh Loan là niềm ao ước của nhiều người, có chồng đẹp trai, tài giỏi, nhà cao cửa rộng, nói chung là chẳng thiếu thứ gì. Đáng lẽ ra chị phải viên mãn lắm, vậy mà chị lại luôn cảm thấy cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình.
Là cô giáo dạy văn nhưng ngày 20/11, ngày 8/3, 20/10, thậm chí là ngày valentine, chị luôn nhận được món quà “quy ra tiền” từ chồng: "Hôm nay... em cầm tiền thích mua gì thì mua…". Có lần chị phát điên lên, tung “món quà” ấy bay lả tả trước mặt chồng. Chị thèm một bông hồng hay một lời nói yêu thương, chứ đâu cần nhiều tiền đến thế. Đã vậy, đến cơ quan, cô bạn lại khoe, chồng cô hôm qua nhân ngày của chị em còn tự nguyện vào bếp và mua một bó hoa Ly rất đẹp. Chị chạnh lòng, gạt nước mắt bước lên bục giảng với nụ cười gượng gạo. Cũng chẳng thể trách chồng chị Loan được, nhưng giá như anh ấy hiểu vợ một chút thì cuộc sống sẽ nhuần nhụy hơn.
Đối với Thanh lại khác, cô đã không ngồi đấy, chờ sự ban phát hay khóc một mình. Thanh là tuýp người hiện đại, vừa lãng mạn vừa thực tế, còn chồng lại là người vô tâm. Nghĩ rằng để tình trạng này kéo dài, cuộc sống sẽ mất hết thi vị. Thế là ngày valentine, cô mua quà tặng chồng trước. Nhận quà từ tay vợ, chồng Thanh thật sự xúc động và cảm thấy hối lỗi vì mình chưa có quà cho vợ. Bây giờ, tình thế đã đảo chiều, đôi khi chồng Thanh phải nhắc nhở vợ mình khi cô quá bận rộn: "Lãng mạn cho cuộc sống nở hoa, chứ em".
Mong rằng, trong sự gấp gáp của cuộc sống số, mỗi chúng ta nên "sống chậm" lại để có thời gian lắng nghe để thấu hiểu những điểm nhấn cần thiết để thổi bùng lên ngọn lửa yêu thương, hạnh phúc trong mỗi gia đình.