Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lắng nghe dân để giải quyết kịp thời những bức xúc

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện lời dạy của Bác về gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân, trong những năm qua, các cấp ủy tại Hà Nội đặc biệt chú trọng giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, kiến nghị chính đáng của Nhân dân. Trong đó, công tác đối thoại trực tiếp với người dân ngày càng mang tính hiệu quả cao.

Hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với đại diện người dân tại quận Tây Hồ. Ảnh: Minh Hiền
Sớm giải quyết những vấn đề vướng mắc
Người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền đối thoại với dân có thể coi là một “diễn đàn dân chủ của Nhân dân”. Và thực tế tại Hà Nội cho thấy, tại các hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với đại diện MTTQ, các đoàn thể chính trị và Nhân dân, rất nhiều vấn đề đã được đề cập tới. Từ vấn đề đất đai, ô nhiễm môi trường, đến trật tự an toàn xã hội, đến các chính sách liên quan đến cơ sở… Các cuộc đối thoại mang tính hiệu quả cao, một mặt kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, đồng thời, các cấp ủy, chính quyền có thể thấy rõ người dân cần gì, đang quan tâm đến vấn đề gì để điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Như nhìn tại cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với đại diện MTTQ, các đoàn thể chính trị và Nhân dân tại quận Tây Hồ vừa qua cho thấy, rất nhiều vấn đề người dân băn khoăn, quan tâm đã được thẳng thắn đề cập đến. Trong đó, quan tâm nhất là các vấn đề liên quan đến quản lý đô thị, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Điển hình như việc mất vệ sinh môi trường tại dự án mương Thụy Khuê, từ Cống Đõ tới chợ Tam Đa; vỉa hè phố Tứ Liên bị xuống cấp; tình trạng chèo kéo khách ăn uống, tệ nạn ăn xin tại các nhà hàng... Thay mặt lãnh đạo quận Tây Hồ, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến đã trực tiếp trả lời, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của Nhân dân. Cụ thể như, đối với dự án cống hóa mương Thụy Khuê đang còn 332m chưa thi công, ảnh hưởng cuộc sống người dân là do còn 25 trường hợp phải bố trí tái định cư nhưng chưa giao được nhà; việc quản lý trật tự xây dựng có khó khăn khách quan do có nhiều diện tích đất đai xen kẹt... Lãnh đạo quận cũng nêu rõ các giải pháp xử lý; đồng thời, giao nhiệm vụ cho các phòng, ban, lãnh đạo UBND các phường có trách nhiệm theo sát giải quyết các vấn đề mà dư luận quan tâm.

Phát huy dân chủ

Có thể nói rằng, đúng như lời dạy của Bác về việc gần dân, lắng nghe dân để hiểu dân, các cấp ủy, chính quyền tại Hà Nội đang đưa việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân thành nền nếp và ngày càng hiệu quả. Không chỉ nằm ở con số (tính từ năm 2017 khi TP có quy chế chính thức về vấn đề này đến nay) trên 1.700 hội nghị đối thoại định kỳ giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân được tổ chức, mà nhiều vấn đề dân sinh, bức xúc được giải quyết kịp thời, đã tạo nên bầu không khí cởi mở, đồng thuận, thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của dân.

Cùng với đó, công tác tiếp dân cũng được đặc biệt chú trọng. Tính riêng năm 2020, các cơ quan hành chính của TP đã tiếp gần 31.500 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, trong đó cấp TP tiếp gần 5.200 lượt công dân, cấp huyện tiếp hơn 13.120 công dân, cấp xã tiếp gần 10.800 công dân và các sở, ngành tiếp gần 2.400 lượt công dân. Thực hiện quy định về tiếp công dân định kỳ và đột xuất của thủ trưởng đơn vị, lãnh đạo các cơ quan hành chính đã tiếp gần 14.600 lượt công dân. Trực tiếp lãnh đạo TP duy trì lịch tiếp công dân vào ngày thứ Ba, tuần thứ ba hằng tháng để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo; đồng thời lãnh đạo UBND TP tiếp thu ý kiến công dân, chỉ đạo xem xét kết luận, quyết định giải quyết chính xác các vụ việc.