Làng nghề gốm sứ Bát Tràng đảm bảo an toàn phòng chống Covid-19

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong quá trình khôi phục hoạt động sản xuất và kinh doanh, các cơ sở, cửa hàng gốm sứ trên địa bàn xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) đều thực hiện theo đúng quy định đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và an toàn phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của TP Hà Nội.

Tuân thủ phương án “1 cung đường, 2 điểm đến”
Thực hiện Chỉ thị 22/CT-UBND ngày 20/9/2021 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP trong tình hình mới, UBND xã Bát Tràng đã xây dựng kế hoạch và triển khai nội dung đến các tổ chức chính trị, thôn, cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Đồng thời, UBND xã yêu cầu các công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng phương án hoạt động, báo cáo UBND xã.
Trên cơ sở này, UBND xã xây dựng kế hoạch hoạt động và giao cơ quan công an, trưởng thôn tổ chức triển khai đến các hộ sản xuất kinh doanh và yêu cầu ký cam kết trong quá trình thực hiện đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 theo quy định của TP, Chính phủ.
 Cơ sở sản xuất gốm sứ Long Loan thực hiện PA ''1 cung đường, 2 điểm đến'', tất cả người lao động đều phải tiêm vaccine và test Covid-19 đồng thời đeo khẩu trang trong quá trình làm việc. Ảnh: Thủy Trúc
Trao đổi về hoạt động sản xuất, kinh doanh gốm sứ đảm bảo ATVSLĐ và an toàn phòng chống dịch Covid-19, Phó Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Đỗ Văn Kiên cho biết: Đến nay, xã Bát Tràng có khoảng 40% trên tổng số khoảng 700 - 800 cơ sở quay trở lại sản xuất, kinh doanh. Các cơ sở đều thực hiện dán mã QR-code tại cửa nơi làm việc để hằng ngày người lao động (NLĐ) quét khai báo y tế. Do NLĐ ở Bát Tràng chủ yếu đến từ địa phương khác nên hiện nay khoảng 90% cơ sở sản xuất lựa chọn phương án (PA) hoạt động “1 cung đường, 2 điểm đến”. Thực hiện PA này, những NLĐ từ Hưng Yên và các tỉnh khác đến xã Bát Tràng làm việc phải tiêm đủ hai mũi vaccine phòng Covid-19 hoặc phải có giấy chứng nhận test Covid-19.
Ngoài ra khoảng 10% cơ sở sản xuất thực hiện PA “3 tại chỗ”, theo đó phải đảm bảo khoảng cách phòng chống dịch, tổ chức ăn uống tại chỗ, bố trí phòng cho NLĐ ngủ nghỉ. Thực hiện theo 2 PA trên, tất cả NLĐ đều phải tiêm vaccine, quét mã QR-code, sát khuẩn tay, đo thân nhiệt để kiểm tra sức khỏe đảm bảo mới được làm việc.
Trong quá trình làm việc tại xưởng, cửa hàng, NLĐ phải đeo khẩu trang, bảo đảm ngồi giữ khoảng cách theo quy định. UBND xã Bát Tràng giao cơ quan công an đi đến các cửa hàng kinh doanh gốm sứ, các xưởng sản xuất kiểm tra việc thực hiện ATVSLĐ và an toàn phòng, chống Covid-19, trường hợp nào không đảm bảo sẽ nhắc nhở thực hiện theo đúng quy định.
Chấp nhận chi phí phát sinh

Ghi nhận của phóng viên tại Khu công nghiệp Bát Tràng cho thấy, tại các cửa hàng, xưởng sản xuất gốm sứ đều dán mã QR-code để mọi người quét khai báo y tế, có bố trí nước sát khuẩn tay. Các cơ sở sản xuất gốm sứ đã khôi phục hoạt động với tỷ lệ NLĐ quay trở lại làm việc đạt từ 50% - 60%. Theo các chủ sản xuất, tỷ lệ lao động này giúp thuận lợi trong việc bố trí làm việc để đảm bảo ATVSLĐ trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Chia sẻ về việc thực hiện PA “3 tại chỗ”, nghệ nhân Trần Nam Tước - Chủ cơ sở gốm Trần Tước cho biết, hiện nay chúng tôi có 14 NLĐ đều đã được tiêm vaccine, test Covid-19. Ngoài trả lương tháng, chúng tôi lo cho NLĐ ngoại tỉnh chỗ ăn, chỗ ở miễn phí.

Tại cơ sở sản xuất gốm sứ Long Loan, những NLĐ đến từ Hưng Yên đều có giấy test Covid-19 và đã được tiêm vaccine phòng Covid-19. Nghệ nhân Hà Văn Long - Chủ cơ sở sản xuất gốm sứ Long Loan cho biết, Cơ sở thực hiện theo đúng các quy định và thông điệp 5K về phòng chống dịch cũng như báo cáo UBND xã Bát Tràng về số công nhân đến làm việc. “Thực hiện PA “1 cung đường, 2 điểm đến”, ngoài việc liên hệ cho NLĐ được tiêm vaccine, cứ 2 ngày một lần chúng tôi lại chi tiền tổ chức cho công nhân ngoại tỉnh test Covid-19 ngay tại xưởng. Chúng tôi chấp nhận chi phí tăng, sản phẩm bán ra hòa vốn hoặc lỗ; nhưng đảm bảo an toàn cho mình, cho công nhân và cộng đồng” - nghệ nhân Hà Văn Long chia sẻ.

Đối với những NLĐ việc được đi làm trở lại là điều may mắn và vô cùng hạnh phúc. NLĐ cũng nhận thấy những nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19 nên trong quá trình làm việc đều đeo khẩu trang, ngồi khoảng cách và hạn chế tiếp xúc.
Ngoài ra, họ thường xuyên được tuyên truyền, nhắc nhở trực tiếp, qua hệ thống loa về thông tin phòng chống dịch, thực hiện 5K. Em Phạm Thúy Kiều (quê Hưng Yên) đang làm công việc cạo nền cho sản phẩm ở Cơ sở gốm Trần Tước bộc bạch: "Khi làm việc ở đây, chúng em được cô chú cho tiêm phòng Covid-19, bao ăn uống, bố trí chỗ ngủ nghỉ tại văn phòng. Thực hiện phòng chống Covid-19, em luôn đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc. Được làm việc có thu nhập, em thấy người khỏe ra và rất yên tâm phòng, chống dịch. Chỉ mong sao dịch nhanh chóng qua đi để chủ cơ sở và NLĐ chúng em được trở lại cuộc sống bình thường mới".

"Chúng tôi thực hiện PA “3 tại chỗ” không thuận tiện lắm vì xáo trộn sinh hoạt gia đình, chi phí quá lớn. Nhưng bù lại, chúng tôi không tốn chi phí test Covid cho NLĐ nếu họ sáng đi làm tối về nhà; NLĐ bớt đi lại trên đường sẽ hạn chế nguy cơ, đảm bảo an toàn cho xưởng. Và, trong tình hình dịch Covid-19, chính quyền xã tạo điều kiện cho mở xưởng sản xuất trở lại đó là điều may mắn đối với chúng tôi." - Nghệ nhân Trần Nam Tước