Công nhân làm việc tại công ty mây tre đan xuất khẩu ở Chương Mỹ chủ yếu là phụ nữ đã quá tuổi lao động. Ảnh: Phương Nga |
Lao động trẻ “di cư”
Xã Nghĩa Hương (huyện Quốc Oai) từng nổi tiếng với nghề đan cót nan, tuy nhiên vài năm gần đây, làng nghề chỉ hoạt động cầm chừng. Hiện toàn xã còn hơn 500 lao động tham gia làm nghề, trong đó có trên 80% lao động nữ trên 40 tuổi. Chia sẻ về những khó khăn tại làng nghề, bà Trần Thị Hồng, chủ một cơ sở chuyên thu gom sản phẩm cót nan ở Nghĩa Hương giãi bày, với những mặt hàng xuất khẩu, ngoài kỹ thuật đan truyền thống cần phải thường xuyên cải tiến mẫu mã cho phù hợp với thị trường. Tuy nhiên, lao động chủ yếu là phụ nữ quá tuổi lao động, việc đào tạo nghề cũng chỉ theo cách “cầm tay chỉ việc” với mức độ biết làm nghề, chứ chưa có lao động được đào tạo bài bản.
Hiện nay, số lao động có tay nghề cao chỉ chiếm hơn 10% trong tổng số lao động làng nghề, trong đó người được coi là bậc thầy trong làng nghề chỉ chiếm khoảng 1,5%. Trong khi các nghệ nhân cao tuổi ngày càng giảm dần, lớp lao động trẻ có thế mạnh là năng động, nhanh nhạy trong việc nắm bắt được xu thế mới, ứng dụng công nghệ kỹ thuật vào sản xuất, lại không mặn mà và có xu hướng “di cư” sang nghề mới có thu nhập hấp dẫn. Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển, Sở Công Thương Hà Nội Vương Đình Thanh |
Bởi vậy, những đơn hàng đòi hỏi độ tinh xảo, dù biết lợi nhuận thu về cao hơn nhưng cơ sở cũng không dám nhận. Tương tự, làng nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) cũng đang gặp khó khăn về lao động tay nghề cao. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phương Quang - Giám đốc Công ty TNHH Việt Quang cho biết, vài năm gần đây, làng nghề không phát triển được vì thiếu đội ngũ lao động kế cận lành nghề. Thường các hộ sản xuất chỉ làm theo mẫu có sẵn chứ không có nhiều thợ trình độ cao có thể thiết kế mẫu mã sản phẩm nên hàng hóa không đa dạng, thiếu sức cạnh tranh, trong khi nhu cầu của thị trường ngày càng khắt khe.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Vương Đình Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển (Sở Công Thương Hà Nội) thừa nhận, thiếu hụt lao động tay nghề cao là tình trạng chung ở các làng nghề. Đây là nguyên nhân chính khiến sản phẩm các làng nghề truyền thống chưa đa dạng về mẫu mã, thiếu sức cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại trong nước và quốc tế.
Cần chính sách ưu tiên
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết, toàn TP có 1.350 làng nghề đang tạo việc làm cho gần 1 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD/năm. Theo ông Hải, để giải bài toán thiếu lao động kế cận như hiện nay, cần phải chú trọng đến dạy nghề và tăng thu nhập cho lao động. Việc nâng cao tay nghề và đào tạo các lớp thợ giỏi sẽ góp phần tăng năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh trên thị trường. Để làm tốt được việt này, trước hết cần hoàn thiện chính sách đào tạo nghề. Hình thức đào tạo và nâng cao tay nghề cho lao động phải xuất phát từ đặc điểm và nhu cầu sản xuất của các làng nghề. Cùng với đó, cần liên kết thu hút sự tham gia của các DN và tổ chức xã hội nghề nghiệp, nhằm bảo đảm đầu ra cho người lao động sau đào tạo.
Trong năm 2019, TP tổ chức 38 lớp truyền nghề, cấy nghề thủ công mỹ nghệ cho 1.330 lao động nông thôn. Cùng với đó, TP tổ chức 17 lớp tập huấn về các nội dung khởi sự DN, hội nhập kinh tế quốc tế, thiết kế mẫu mã sản phẩm, quản trị DN, quản trị kinh doanh và marketing cho 1.700 - 1.800 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ sở công nghiệp nông thôn.
Song song với việc dạy nghề, cần chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ đó làm cơ sở vững chắc để thu hút, giải quyết việc làm ổn định, tăng thu nhập cho lao động trẻ sau đào tạo. Việc ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ còn tạo động lực để lao động trẻ tìm tòi, phát hiện sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, giải phóng sức lao động.