Đây cũng là thời điểm hoạt động sản xuất, mua bán ở làng nghề mộc xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín tấp nập, nhộn nhịp.
Nhộn nhịp làng nghề
Những ngày này đến với làng nghề xã Vạn Điểm, chúng tôi cảm nhận được không khí làm việc khẩn trương, tấp nập của các cơ sở sản xuất. Theo Chủ tịch Hội doanh nghiệp huyện Thường Tín Ngô Văn Trọng: “Làng nghề mộc Vạn Điểm nổi tiếng gần xa hàng chục năm nay rồi. Thường ngày ở đây cũng rất hối hả, người người làm nghề, nhà nhà làm nghề, những ngày giáp Tết mọi người càng tất bật hơn để kịp chuyển hàng đến tay người mua vào trước Tết”.
Cũng theo Chủ tịch Hội DN huyện Thường Tín, hiện nay làng nghề mộc xã Vạn Điểm đã có khoảng 300 thành viên. Năm nào cũng vậy, bắt đầu từ tháng 9 - 12 âm lịch, lao động trong làng nghề phải làm việc liên tục, kể cả ngày nghỉ để kịp đáp ứng đơn hàng tăng cao dịp cuối năm. Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số lượng lao động làm việc cũng giảm, sản phẩm làm ra xuất đi cũng ít.
Hiện, anh Trọng cũng đang trực tiếp quản lý xưởng mộc với 10 lao động, ngoài ra còn có cửa hàng của gia đình và hàng chục cửa hàng vệ tinh chuyên buôn bán các sản phẩm đồ gỗ ở địa phương. Trung bình mỗi ngày xưởng mộ của anh tiêu thụ được một vài sản phẩm mộc dân dụng, như giường, tủ, bàn ghế, tranh, đồng hồ…. Riêng dịp cuối năm, lượng đơn hàng tăng gấp đôi, gấp ba lần so với ngày thường. “Để tạo ra những sản phẩm đa dạng về kiểu dáng, bảo đảm chất lượng, không chỉ riêng tôi, mà tất cả những cơ sở sản xuất ở làng nghề xã Vạn Điểm đã mạnh dạn mua các loại máy móc, như máy cưa, máy xẻ, máy cắt, máy chạm khắc gỗ…. đời mới trị giá hàng trăm triệu đồng/chiếc, góp phần nâng cao năng suất, giảm chi phí nhân công, hạ giá thành sản phẩm, qua đó tạo ra những sản phẩm tinh xảo. Để kịp hoàn thành hàng giao cho khách, đội ngũ thợ luôn làm việc tích cực và quan tâm đến chất lượng, mẫu mã sản phẩm”- anh Ngô Văn Trọng chia sẻ.
Rời cơ sở sản xuất đồ gỗ của anh Trọng, chúng đến thăm cở sở sản xuất đồ gỗ Tâm Bình của chị Phạm Thị Bình. Trò chuyện với chúng tôi, chị Bình kể về truyền thống của nghề và cho biết, các sản phẩm ngày một nhiều, đa dạng về hình thức với các chất liệu gỗ hương, gụ, lim, mun... Các mặt hàng được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng gỗ cũng như độ tinh xảo và tính thẩm mỹ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Duy trì sản xuất
Những ngày cuối năm, không khí làm việc ở các xưởng sản xuất cũng như cửa hàng buôn bán đồ gỗ trong xã Vạn Điểm hết sức khẩn trương. Tùy từng loại gỗ, kiểu dáng mà các sản phẩm ở đây có giá khác nhau để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Người thợ mộc ở đây cũng rất linh hoạt, họ có thể sản xuất sản phẩm hàng loạt để phục vụ khách cần hàng nhanh cũng như nhận làm riêng những mẫu đặc biệt theo yêu cầu được lựa chọn gỗ, quá trình hoàn thiện sản phẩm được làm kỹ, chau chuốt hơn.
Theo chân cán bộ xã Vạn Điểm, chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất đồ gỗ Tân Yến của gia đình anh Phạm Văn Tân ở thôn Đỗ Xá. Tuy ảnh hưởng do dịch Covid-19, nhưng xưởng mộc của gia đình anh Tân trung bình mỗi tháng cuối năm sản xuất và bán ra từ 50 - 70 sản phẩm. Anh Tân cho biết: “Càng về cuối năm, các đơn đặt hàng càng nhiều đòi hỏi chúng tôi phải sản xuất nhanh hơn nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, mẫu mã và phòng, chống dịch Covid-19, để giữ uy tín cho cơ sở, thương hiệu. Trước đây, khách hàng thích hoa văn chạm trổ cầu kỳ, mấy năm gần đây thiên về kiểu dáng đơn giản song cũng không kém phần sang trọng, tinh tế”.
Nếu như cơ sở của anh Tân chuyên sản xuất các sản phẩm mộc dân dụng, thì các sản phẩm tranh gỗ lại là sản phẩm chủ lực của anh Đỗ Văn Hùng thôn Vạn Điểm. Anh Hùng chia sẻ: “Mặc dù hiện nay có nhiều máy móc hiện đại song để tạo nên những tác phẩm tranh gỗ, tượng gỗ tinh xảo, tất cả các công đoạn chế tác người thợ phải làm bằng tay. Mọi chi tiết của sản phẩm đều phải thiết kế, gia công chuẩn xác, mang tính thẩm mỹ cao. Với 5 lao động, trung bình mỗi tháng, cơ sở sản xuất khoảng 20 sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu người sử dụng”.
Xã Vạn Điểm có 3 thôn với trên 1.300 hộ, có khoảng 1.000 hộ và 32 công ty làm nghề sản xuất đồ gỗ, thu hút hơn 10.000 lao động trong và ngoài xã, cho thu nhập từ 8 - 17 triệu đồng/người/tháng. Năm 2019, nghề mộc của xã mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng cho mỗi cơ sở sản xuất; các sản phẩm của làng nghề được đưa đi tiêu thụ khắp nơi. Từ năm 2020 đến nay, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng làng nghề vẫn duy trì hoạt động sản xuất, tạo việc làm cho lao động.
Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm Nguyễn Văn Hà