Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lắng nghe, thấu hiểu và gắn kết

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất cứ công việc gì, dù lớn hay nhỏ, muốn thực hiện thành công, nhất thiết phải có sự đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, đồng thuận.

Học và làm theo tư tưởng của Bác, các đơn vị tại Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, từ đó huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng kinh tế - xã hội.

Tạo thành một “nguồn lực tổng hòa”

Các tư liệu nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy, Người đã chỉ rõ các nguyên tắc đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là phải tin vào dân, dựa vào dân, vì lợi ích của dân để đoàn kết toàn dân, phát động các phong trào thi đua yêu nước; đoàn kết lâu dài, rộng rãi, chặt chẽ, tự giác, có tổ chức, có lãnh đạo; đoàn kết gắn với đấu tranh, tự phê bình, phê bình.

Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc tại phường Thạch Bàn, quận Long biên, ngày 22/10. Ảnh: Thu Lan
Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc tại phường Thạch Bàn, quận Long biên, ngày 22/10. Ảnh: Thu Lan

Việc phát huy khối đại đoàn kết toàn dân đang được các cấp, ngành thực thi bằng nhiều giải theo đúng tinh thần tư tưởng của Bác. Như tại Hà Nội, chính quyền từ TP đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo, giải quyết hiệu quả những vấn đề thiết thực đến đời sống của dân. Đồng thời quan tâm lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp xây dựng của Nhân dân, kịp thời điều chỉnh những chủ trương, cách làm không phù hợp, nhất là những vấn đề đang được quan tâm như cải cách hành chính, quản lý đất đai, trật tự đô thị, giải phóng mặt bằng…

Việc này đã tạo ra sự đồng thuận cao trong Nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý của chính quyền các cấp. Đặc biệt, qua đó đã nắm chắc tình hình cơ sở, dự báo một cách khoa học, chính xác, đã góp phần giải quyết kịp thời những vụ việc ngay từ khi phát sinh, tránh tạo thành “điểm nóng”.

Nhiều phong trào thi đua, các cuộc vận động đã huy động được sức dân, tạo thành một “nguồn lực tổng hòa” góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, an sinh… Như từ những cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", đến “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, rồi “Ngày vì người nghèo”… đã tạo thành dấu ấn với sự phát triển của xã hội. Và không thể không nói tới "Ngày hội đại đoàn kết toàn dân" ở khu dân cư được người dân hưởng ứng rất tích cực với những cách làm sáng tạo, phù hợp điều kiện thực tế.

Từ ngày hội, tinh thần đoàn kết trong xây dựng từ các khu dân cư đã tạo động lực cho phát triển kinh tế, làm đổi thay bộ mặt đô thị. Không ít con đường, trường học, ngôi nhà đều có được từ chính sự đồng thuận ấy. Và điều quan trọng hơn cả đã khẳng định tinh thần đoàn kết sẽ tạo thành sức mạnh toàn dân tộc. Như thống kê của Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, 20 năm qua đã có 4.385 công trình dân sinh được xây dựng; 9.978 nhà đại đoàn kết được xây mới; 3.940 nhà đại đoàn kết được sửa chữa, 5.878 nhà đại đoàn kết được trao tặng trong dịp ngày hội.

Tăng sự gắn kết

Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023 đang được bắt đầu tổ chức rộng khắp ở các khu dân cư. Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả đang được nhân rộng để đây không chỉ là ngày hội, cũng là dịp để các cấp ủy Đảng, chính quyền gặp gỡ, tiếp xúc và lắng nghe ý kiến của Nhân dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; cùng với Nhân dân bàn bạc, trao đổi, xây dựng giải pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tại địa bàn.

Theo lãnh đạo huyện Đông Anh, ngày hội để mỗi người dân thêm gắn kết và tổ chức thực hiện tốt hơn các vấn đề của địa phương. Như tại huyện, sau khi Nghị quyết chuyên đề số 250-NQ/HU về "5 có”, "3 không” đã được lan tỏa tới người dân bằng nhiều kênh, trong đó có vai trò quan trọng thông qua tuyên tuyền tại ngày hội đại đoàn kết. Trong đó, “3 không” gồm: không vi phạm quy định về quản lý và sử dụng đất đai, trật tự xây dựng, trật tự văn minh đô thị; không ô nhiễm môi trường; không có hộ nghèo.

Trong dịp này, nhiều khu dân cư đã tổ chức tổng vệ sinh môi trường, giữ gìn trật tự đô thị, tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống, sinh hoạt cộng đồng, cùng chung vui với “Bữa cơm đại đoàn kết”… Phường Long Biên (quận Long Biên) là một trong những địa bàn vừa tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư với nhiều sáng tạo.

Qua ngày hội, thúc đẩy người dân thực hiện tốt hơn các Quy ước “Tổ dân phố giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường”, “Tổ dân phố thực hiện tốt các quy định về trật tự đô thị”, các quy chế dân chủ, đặc biệt là trong quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị… Đồng thời, năm 2023, thực hiện chủ đề “Năm chỉnh trang đô thị, chăm lo đời sống người dân, kỷ niệm 20 năm thành lập quận” của quận Long Biên, phường đã có 39 mô hình trong đó có 25 mô hình về chỉnh trang đô thị, vận động xã hội hóa được gần 3 tỷ đồng...

Chính những cách làm sách tạo, thiết thực trong tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc đã và đang thực sự đã trở thành "cầu nối" tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng lòng tin của Nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền như tinh thần tư tưởng của Bác.