Nhờ ứng dụng công nghệ 4.0, làng nghề mây tre đan Phú Vinh có thêm được nhiều đơn hàng mới. Ảnh: Nga Phương |
Nâng cao năng suất, chất lượng
Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề, đang tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động và kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD/năm. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, những năm gần đây, nhiều làng nghề trên địa bàn TP đã tích cực đầu tư ứng dụng công nghệ cao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, từng bước đổi mới thiết bị, thay thế dần các hoạt động lao động chân tay hay công nghệ lạc hậu.
Tại làng gốm Bát Tràng, từ chỗ chỉ đốt lò nung gốm bằng củi, than, đến nay 1/4 các cơ sở sản xuất đã áp dụng lò nung bằng khí gas. Nghệ nhân Vương Thế Cường, làng nghề Bát Tràng cho hay: “Nhờ ứng dụng công nghệ đốt lò thông minh, chúng tôi có thể dễ dàng cập nhật thông tin áp suất, khí gas, nhiệt độ lò hoặc sự cố bất thường vào điện thoại di động được lập trình sẵn, từ đó có thể điều chỉnh kịp thời”.Hay tại làng lụa Vạn Phúc, hiện nay công nghệ 4.0 đã hỗ trợ hiệu quả cho công đoạn suốt sợi hay thiết kế mẫu mã, hoa văn cho lụa. Nhờ vậy, hiệu quả công việc tăng cao gấp hàng chục lần làm thủ công, mẫu mã sản phẩm cũng đa dạng hơn. Ông Phạm Khắc Hà - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc cho biết: “Ngoài ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, tác động của công nghệ 4.0 còn mở ra nhiều kênh tiêu thụ. Ngày nay, người thợ không chỉ bán hàng ở trong cửa hàng mà còn thông qua các kênh thương mại trực tuyến, mạng xã hội. Đặc biệt, đẩy mạnh tương tác trực tuyến để khách hàng cùng tham gia vào thiết kế mẫu mã sản phẩm”.Nhiều thách thứcCơ hội đã rõ ràng, tuy nhiên cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đang đặt ra vô vàn thách thức buộc làng nghề phải thay đổi để thích ứng. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường phân tích: Đa số các làng nghề ở Hà Nội hiện nay đều có xuất phát điểm thấp, phần lớn vẫn sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu nên tính cạnh tranh không cao, mẫu mã sản phẩm ít được đổi mới, thiếu khả năng tự khai thác thị trường. Để đầu tư thay đổi công nghệ sản xuất thì cần một nguồn lực rất lớn.Mặt khác, hầu hết các làng nghề chưa quy hoạch phát triển sản phẩm, thị trường mục tiêu chưa rõ ràng để có chiến lược marketing phù hợp. Thêm vào đó, năng lực sáng tạo, thiết kế mẫu mã mới của hầu hết các làng nghề truyền thống rất yếu, chủ yếu là sản xuất theo mẫu mã truyền thống. Đặc biệt, trình độ lao động tại các làng nghề còn thấp, không đồng đều, vì vậy để ứng dụng công nghệ vào sản xuất sẽ gặp nhiều trở ngại.Theo ông Tường, để nắm bắt thời cơ thực hiện thành công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi các địa phương cần chủ động liên kết mở rộng sản xuất đủ điều kiện sẵn sàng tiếp thu công nghệ mới, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời thông qua các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu, tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường và sản xuất theo chuỗi liên kết. Có như vậy, sản phẩm của các làng nghề truyền thống mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ứng dụng marketing 4.0 sẽ giúp các cơ sở sản xuất và DN trong làng nghề mở rộng kênh bán hàng trực tuyến, góp phần nâng cao doanh thu, lợi nhuận. Đây cũng là cơ hội để người làng nghề có điều kiện học hỏi tiếp thu các mô hình tổ chức sản xuất và quản trị tiên tiến để cải thiện mẫu mã, chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường. Cùng với đó, nâng cao sức cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm, giải phóng sức lao động và bảo vệ môi trường. Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần |