Làng nghề thủ công mỹ nghệ của Hà Nội: Không để yếu vì thiếu nguyên liệu

Trần Huyền Phương - Trường Đào tạo Cán bộ Lê Hồng Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhu cầu sản xuất lớn, trong khi các vùng nguyên liệu ngày càng bị thu hẹp, khai thác tràn lan… dẫn đến nhiều DN sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) gặp hàng loạt khó khăn, nhất là khi triển khai các đơn hàng xuất khẩu với số lượng lớn, đòi hỏi thời gian giao hàng chính xác. Để khắc phục tình trạng này, TP Hà Nội đã, đang đẩy mạnh nhiều hoạt động kết nối cung - cầu nguyên liệu với các tỉnh, TP nhằm giúp các DN tìm nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng.

Các nghệ nhân làng nghề mây tre đan ở Phú Túc, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Trần Việt
Nhu cầu nguyên liệu tăng cao
Là làng nghề truyền thống mây tre đan nổi tiếng, lâu đời nhất tại Hà Nội, hiện 90% các sản phẩm mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ, Hà Nội) được xuất khẩu, trong đó có nhiều thị trường “khó tính” như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… Những thị trường thường xuyên có những đơn hàng lớn và luôn yêu cầu sản phẩm chất lượng cao, đồng đều, thời gian giao hàng chính xác… Điều này không chỉ đòi hỏi DN phải có những lao động lành nghề, máy móc, thiết bị đồng bộ… mà còn cần chủ động về nguồn nguyên liệu.
Trong khi đó, theo Giám đốc Công ty TNHH Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương (Phú Túc, Phú Xuyên, Hà Nội) Nguyễn Thị Lương: “Hiện nay, nguyên liệu cỏ tế tăng giá quá cao, nên phía công ty đã phải chuyển sang các nguyên liệu khác như bèo tây, cói …”- bà Lương nói. Tuy nhiên, cũng theo bà Lương, hiện nay nguồn bèo tây cũng đang ngày càng khan hiếm do nhiều nơi đã phun thuốc diệt bèo tây, giá cả do vậy cũng tăng chóng mặt và DN vẫn đối mặt với nguy cơ “nhỡ” đơn hàng.
Theo báo cáo của phòng kinh tế các huyện, thị xã của TP Hà Nội, nhu cầu nguyên liệu phục vụ các làng TCMN trên địa bàn là rất lớn. Cụ thể, đối với mặt hàng sơn mài, khảm trai, toàn TP hiện có gần 5.000 DN, hợp tác xã, hộ sản xuất hoạt động trong 11 làng nghề truyền thống được công nhận. Bình quân mỗi hộ sản xuất tiêu thụ khoảng 1,5 tấn nguyên liệu/tháng (gồm các loại như tre, gỗ, gốm sứ, sơn, vỏ trai, ốc...).
Tổng nhu cầu nguyên vật liệu nhóm ngành sơn mài, khảm trai khoảng 90.000 tấn/năm. Nhóm ngành mây tre đan, guột, tế, trung bình một năm các làng nghề mây tre đan Hà Nội tiêu thụ khoảng 6.700 tấn nguyên liệu các loại. Nhóm ngành nghề gốm sứ, mặc dù chỉ có 5 làng nghề sản xuất với hơn 4.000 DN, hợp tác xã, hộ sản xuất cá thể nhưng sức tiêu thụ gần 600.000 tấn nguyên liệu mỗi năm. Nhóm nghề gỗ mỹ nghệ nhu cầu nguyên liệu ước lên tới trên 1.000.000 m³/năm…
Tăng cường kết nối 
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội Vương Đăng Hoa cho biết, nguồn cung nguyên liệu đầu vào của nhiều DN hàng TCMN của Hà Nội trong những năm qua chủ yếu thông qua con đường tiểu ngạch, quy mô nhỏ, sản lượng thấp, thường xuyên biến động, thiếu tính ổn định cả về thời gian giao hàng, số lượng, lẫn chất lượng. Nhiều DN, cơ sở do không tìm được nguồn cung nguyên liệu ổn định đã phải dừng một số đơn hàng xuất khẩu có giá trị lớn, không chỉ làm giảm doanh thu, thu nhập của người lao động, mà còn làm giảm uy tín của DN đối với các nhà nhập khẩu.
Để giải quyết vấn đề này, những năm gần đây Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và sở công thương các tỉnh, TP khu vực phía Bắc đẩy mạnh các chương trình kết nối cung - cầu. Qua đó, nhiều DN Hà Nội và các tỉnh, TP đã có cơ hội gặp gỡ, tìm kiếm đối tác cung cấp nguyên liệu, gia công bán thành phẩm, thành phẩm một cách ổn định, lâu dài, có chất lượng, hướng đến xuất khẩu các sản phẩm TCMN có giá trị cao.
Giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ Hoa Sơn Nguyễn Văn Trung chia sẻ: Nhờ sự vào cuộc của các sở, ngành TP Hà Nội, đến nay, các DN đã có nguồn dồi dào để ổn định sản xuất. Ngoài kết nối với xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên), nhiều DN làng nghề Phú Vinh cũng đã kết nối với tỉnh Hòa Bình để làm một số công đoạn gia công bán thành phẩm… giúp các DN đảm bảo sản lượng phục vụ xuất khẩu. Việc kết nối cung – cầu nguyên liệu còn giúp các địa phương có nguồn nguyên liệu ngành TCMN có thể tiêu thụ một cách ổn định, lâu dài, tạo việc làm cho một bộ phận người lao động các vùng nông thôn thông qua việc gia công thành phẩm, bán thành phẩm cho các DN, cơ sở sản xuất Hà Nội.
Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh Nghệ An Vũ Xuân Thanh cho biết: Nghệ An là vùng có nguồn nguyên liệu luồng, tre, nứa rất lớn. Mới đây, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam đã hỗ trợ 4 triệu euro để thực hiện đề án phát triển bền vững nguồn nguyên liệu này. Về phía tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nguyên liệu, nhưng việc này cần sự vào cuộc của DN trong việc xây dựng chuỗi liên kết bảo đảm ổn định từ “đầu vào” đến “đầu ra”; đồng thời, tập huấn cho nông dân nắm được yêu cầu về chất lượng nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu của DN…
Về lâu dài, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải, cơ quan này cũng đã chủ động tham mưu, đề xuất với các cấp liên quan về chính sách hỗ trợ, ưu đãi, đặc biệt là ưu tiên tạo vùng nguyên liệu, khai thác và chế biến nguyên liệu. Sở Công Thương cũng đã đề xuất UBND TP có cơ chế đặc thù nhằm khuyến khích các địa phương quan tâm phát triển, cung cấp nguyên liệu “đầu vào” cho ngành TCMN Hà Nội. Các DN, cơ sở sản xuất hàng TCMN Hà Nội cũng có thể liên kết đầu tư xưởng sản xuất ngay tại các địa phương của các tỉnh, TP để tận dụng nguyên liệu, nhân công, giảm chi phí, góp phần tạo nên chuỗi cung cầu hoàn thiện, hiệu quả.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần