Kinhtedothi - Trẻ em có quyền được biết, được bàn, được tham gia vào những vấn đề liên quan đến các em. Nhân Tháng hành động vì trẻ em 2015, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH về chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói”.
Thưa ông, tại sao năm nay Bộ LĐTB&XH lại lấy chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói” cho Tháng hành động vì trẻ em năm 2015?
- Tháng hành động vì trẻ em được phát động trên toàn quốc từ 1/6 đến 30/6. Chúng tôi thống nhất chọn chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói” sau khi lấy ý kiến từ các bộ, ngành bởi lẽ, trẻ em không tự thực hiện được quyền tham gia của mình; và trách nhiệm của người lớn là tạo điều kiện để các em có cơ hội được bày tỏ ý kiến. Người lớn cần lắng nghe, cân nhắc, xem xét để thực hiện những yêu cầu, nguyện vọng và ước mơ chính đáng của trẻ em.
Năm 2015 cũng là dịp kỷ niệm 25 năm thực hiện Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em. Đây có thể coi là điểm nhấn của Tháng hành động vì trẻ em này, vậy làm thế nào để có sức lan tỏa hơn, thưa ông?
- Năm nay chúng ta kỷ niệm 25 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em. Chúng ta là một trong những quốc gia phê chuẩn rất sớm và thực hiện đầy đủ trách nhiệm báo cáo đối với Liên Hợp quốc nói chung và Ủy ban về quyền trẻ em của Liên Hợp quốc. Chúng tôi dự định sẽ kỷ niệm 25 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em một cách thiết thực hơn. Ví dụ, bên cạnh lễ kỷ niệm, chúng tôi sẽ tổ chức cuộc thi để tất cả trẻ em tham gia bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, quan điểm và đánh giá về thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam trong thời gian vừa qua, đặc biệt là 25 năm trước. Chúng tôi cũng thấy, trong 5 năm tiếp theo chúng ta còn rất nhiều cơ hội, bên cạnh đó cũng không ít thách thức trong vấn đề thực hiện quyền trẻ em. Dịp kỷ niệm này là dịp chúng ta nhìn nhận rõ hơn, hoạch định chính sách pháp luật về thực hiện quyền trẻ em có lộ trình và bền vững hơn.
Thưa ông, theo Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em, thì trẻ em có quyền được bảo vệ. Thế nhưng, mới đầu hè đã xảy ra nhiều tai nạn thương tâm do đuối nước. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này và giải pháp hạn chế?
- Hiện nay, chúng tôi đang triển khai chương trình phòng chống đuối nước có sự phối hợp với rất nhiều bộ như Y tế, GTVT. Có 4 nguyên nhân và 4 nhóm giải pháp lớn. Nguyên nhân thứ nhất là kỹ năng và trách nhiệm của cha mẹ trong giám sát và chăm sóc con. Những sơ xẩy của cha mẹ dẫn đến sự việc đáng tiếc, đặc biệt là các gia đình ở vùng sông nước, vùng nước nổi vào mùa lũ. Do đó, chúng ta cần truyền thông, giáo dục và tập huấn kỹ năng làm cha mẹ, trong đó có kỹ năng phòng chống đuối nước cho con. Thứ hai là do chính trẻ em có biết bơi hay không, có biết cách phòng trừ đuối nước không? Chúng tôi muốn các nhà trường dành nhiều thời gian cho môn Giáo dục công dân, Thể dục để dạy các em bơi và các kỹ năng phòng ngừa đuối nước. Thứ ba là môi trường sống không an toàn. Nhiều nơi có hồ ao nguy hiểm, nhưng không có cảnh báo và rào chắn, giếng nước không có nắp đậy, cho nên các bé có nguy cơ đuối nước trong chính ngôi nhà của mình. Vì thế chúng ta tăng cường giáo dục cho mọi người làm sao có môi trường sống an toàn, ngôi nhà an toàn, cộng đồng an toàn. Trước hết là phòng chống đuối nước cho trẻ em. Và, nguyên nhân cuối cùng là phương tiện giao thông đường thủy chưa an toàn. Hiện nay có phong trào tặng áo phao, Bộ GTVT có chiến dịch xây những cây cầu để người dân, trong đó có trẻ em được đi học, vui chơi giải trí an toàn.
Chúng ta phải tiếp tục kiên trì thực hiện những giải pháp ấy. Đặc biệt là những giải pháp liên quan đến giáo dục trách nhiệm, kỹ năng cho người lớn về phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, trong đó có phòng chống đuối nước.
Tháng hành động vì trẻ em cũng là thời điểm nghỉ hè, nhưng nhiều khu đô thị thiếu khu vui chơi; trong khi ấy sân chơi ở các khu tập thể cũ lại bị lấn chiếm. Vậy, phải làm sao để các em có mùa hè an toàn và bổ ích?
- Nơi vui chơi giải trí cho trẻ em ở các khu đô thị là một câu chuyện dài, đặc biệt là ở Hà Nội thời gian gần đây, dù TP cũng như cộng đồng dân cư đã nỗ lực tạo những nơi vui chơi giải trí cho các bé. Tôi xin trở lại vấn đề này bắt đầu từ câu chuyện quy hoạch đô thị. Tôi biết có những khu đô thị khi trình dự án phê duyệt thì có công viên cho trẻ em, có hồ nước, cây xanh, nhưng khi xây dựng, những diện tích này bị thu hẹp và thay thế bằng những ngôi nhà, biệt thự có thể kinh doanh tốt hơn. Vì lợi ích trước mắt mà ta hy sinh lợi ích lâu dài đó là trẻ em không có nơi vui chơi. Không những trẻ em không phát triển được mà còn bị áp lực về mặt tâm lý xã hội. Chúng tôi nghĩ, trách nhiệm đầu tiên là của chính quyền địa phương khi quy hoạch và giám sát việc thực hiện phải chặt chẽ, tránh để xảy ra tình trạng “đầu voi đuôi chuột”.
Giải pháp trước mắt nào để các em được vui chơi an toàn trong mùa hè này, thưa ông?
- Trước hết chúng ta phải giữ cho được những diện tích mà các em đang có, hay nói cách khác là giữ đất cho trẻ em. Ở những khu tập thể có khu sân trống, chúng ta phải giữ được để trước hết dành cho dân cư, cho người già đi thể dục buổi sáng, cho trẻ em thanh niên vui chơi vào buổi chiều.
Xin cảm ơn ông!
Trẻ em thi vẽ tranh tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: Phạm Hùng
|
Hà Nội bảo vệ trẻ em bằng mọi hành động Sáng 26/5, UBND TP đã phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2015 với chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói”. Tại lễ phát động, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi cho biết, những năm qua, trẻ em TP được sống trong điều kiện tốt hơn và có cơ hội phát triển toàn diện hơn. Tuy nhiên, để tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, các sở, ban, ngành, đoàn thể từ TP đến xã, phường cần thường xuyên rà soát nhằm ngăn ngừa, phát hiện kịp thời và can thiệp, trợ giúp hiệu quả những trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị vi phạm quyền trẻ em; Rà soát kiểm tra để chấm dứt các điểm vui chơi bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích. Quan tâm xây mới hoặc nâng cấp, bổ sung trang thiết bị vui chơi cho trẻ em ở các điểm vui chơi tại cộng đồng... Tại buổi lễ, lãnh đạo Bộ LĐTB&XH và UBND TP đã trao 8 suất quà trị giá 80 triệu đồng cho 8 làng trẻ em, các trung tâm và 40 suất học bổng trị giá 1 triệu đồng/suất cho 40 cháu có hoàn cảnh đặc biệt. |