Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lãng phí năng lượng, áp lực đè nặng lên Nhà nước và doanh nghiệp

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện việc sử dụng năng lượng tại Việt Nam đang lãng phí, do ý thức của người dân lẫn các doanh nghiệp chưa cao. Nếu tiếp tục tình trạng này, năng lượng nhập khẩu chắc chắc sẽ ngày càng cao trong bối cảnh khan hiếm nhiên liệu hiện hữu.

Đó là khẳng định của các diễn giả tại diễn đàn “Giải pháp thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp” do Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (TKNL) tổ chức ngày 26/8, tại Hà Nội.

Các diễn giả chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên
Các diễn giả chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên

Diễn đàn nằm trong khuôn khổ lễ phát động Giải thưởng Hiệu quả năng lượng năm 2022 (Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp -công trình xây dựng năm 2022; Giải thưởng sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2022).

Chấm dứt lãng phí

Ông Hoàng Việt Dũng - Thành viên Văn phòng Ban chỉ đạo TKNL, đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (TKNL&PTBV, Bộ Công Thương) cho biết, cùng với tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cũng có tốc độ tăng trưởng về nhu cầu năng lượng rất cao so với trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt từ năm 2015, Việt Nam chuyển từ nước xuất khẩu năng lượng thành nước nhập khẩu ròng về năng lượng. Lượng nhập khẩu năng lượng sẽ ngày càng tăng trong những năm tới.

EVN luôn chú trọng việc phát triển năng lượng tái tạo.
EVN luôn chú trọng việc phát triển năng lượng tái tạo.

Đánh giá về việc sử dụng năng lượng hiện nay tại Việt Nam, đặc biệt trong các ngành công nghiệp, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm năng lượng (Enerteam) Mã Khai Hiền cho rằng, thực trạng việc sử dụng năng lượng ở Việt Nam còn rất lãng phí. Cường độ sử dụng năng lượng trên GDP ở nước ta rất cao so với mức bình quân trên thế giới. Nếu tiếp tục tình trạng này, lượng năng lượng nhập khẩu chắc chắc sẽ ngày càng cao.

Do đó, ông Mã Khai Hiền thẳng thắn, đã đến lúc phải chấm dứt việc sử dụng năng lượng lãng phí mà phải cải thiện chất lượng “cầu” của năng lượng, phải hướng đến sử dụng năng lượng hiệu quả và thông minh hơn, bền vững hơn.

“Việt Nam không thể xây mãi nhà máy điện để đáp ứng cho nhu cầu của các ngành công nghiệp có thiết bị tiêu thụ năng lượng lớn và gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng nhiều như xi măng, sắt thép… cần phải áp dụng triệt để những giải pháp TKNL để cắt giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống” - ông Mã Khai Hiền nhấn mạnh.

Nhiều việc phải làm

Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (VNEEP3) đã quy định cụ thể 9 nhóm giải pháp thúc đẩy sử dụng TKNL và hiệu quả trong tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

EVN thường xuyên có khuyến cáo tuyên truyền tiết kiệm điện năng.
EVN thường xuyên có khuyến cáo tuyên truyền tiết kiệm điện năng.

Trong đó, đối với giải pháp tài chính, hiện Bộ Công Thương đã triển khai các dự án hợp tác quốc tế. Hiện có các dự án của Ngân hàng Thế giới hỗ trợ cho vay đầu tư TKNL, thực hiện thí điểm cơ chế bảo lãnh đầu tư các dự án…

Các khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, tiềm năng TKNL về mặt kỹ thuật trong các ngành công nghiệp có thể đạt từ 20 - 30%. ông Hoàng Việt Dũng cho rằng, để tiềm năng TKNL trở thành hiện thực sẽ phải triển khai rất nhiều công việc, giải pháp từ nay đến năm 2030.

Vụ TKNL&PTBV đã tiến hành nghiên cứu, đề xuất chỉnh sửa Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó, tập trung bổ sung các quy định về cơ chế ưu đãi cho hoạt động đầu tư TKNL và xem xét thành lập Quỹ Tiết kiệm năng lượng.

Ở góc độ khó khăn, ông Dũng cho rằng, nhận thức của doanh nghiệp về lợi ích của TKNL chưa đầy đủ, đặc biệt là các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. “Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức chủ quan và khách quan, thường có tâm lý ngại ngần khi quyết định đầu tư dài hạn cho các giải pháp TKNL. Nguồn nhân lực tư vấn chuyên sâu về công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn thiếu” - vị này phân tích thêm.

Theo Phó Giám đốc Ban nguồn vốn ủy thác quốc tế, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) Đinh Hương Thủy, để các doanh nghiệp thực hiện vay vốn thực hiện các dự án TKNL sao cho hiệu quả nhất, doanh nghiệp cần cập nhật thường xuyên công nghệ.

Ngay từ khi xây dựng dự án doanh nghiệp cần tính toán kỹ mức TKNL, mức ảnh hưởng đến môi trường xã hội. Doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch tài chính cụ thể, chi tiết đảm bảo cho quá trình dự án được thông suốt.

 

Trong 1 thập kỷ vừa qua, tốc độ tăng trưởng năng lượng trung bình của Việt Nam khoảng 7%/năm, nhưng tốc độ tăng trưởng về nhu cầu điện cao hơn nhiều, khoảng 9,5% trong giai đoạn 2011 - 2019. Trong các năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhu cầu năng lượng tăng trưởng chậm lại, ở mức trên 2%/năm. Tuy nhiên, theo dự báo, nhu cầu sử dụng điện trong giai đoạn tới vẫn tăng trưởng 8 - 9%/năm. Điều này đặt ra thách thức trong vấn đề đảm bảo cân bằng cung cầu năng lượng, đặc biệt là điện.