Lãng phí từ những dự án nhà tái định cư - Bài 1: Nghịch lý cung - cầu

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bỏ trống bởi chưa bố trí được người ở hoặc "ở ảo" là thực trạng của không ít khu tái định cư (TĐC) trên địa bàn Hà Nội hiện nay.

Thậm chí, có tòa nhà TĐC sử dụng vốn ngoài ngân sách dù được hoạch định cho vài trăm hộ dân, nhưng nhiều năm vẫn vắng "hơi người". Nghịch lý cũng từ đây mà xuất hiện, một mặt cấp tập xây dựng các dự án TĐC mới trong khi các dự án đã xây xong trước đây lại… bỏ trống. Điều này gây thất thoát nguồn vốn đầu tư lớn không chỉ của TP mà cả DN.
Bài 1: Nghịch lý cung - cầu

Theo số liệu từ Sở Xây dựng, hiện Hà Nội chỉ còn khoảng 76 căn hộ TĐC sử dụng vốn ngân sách còn trống do chưa có phương án bố trí, sử dụng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, con số thực tế cao hơn nhiều lần bởi không ít căn hộ đã được bàn giao song người mua vẫn để trống. Điều này cho thấy, những dự án nhà TĐC đang bị biến tướng, xa với tính chất cũng như mục đích ban đầu đặt ra.
Lộ diện những bất cập

Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, 3 khối nhà CT1A, CT1B, CT1C của Khu TĐC TP giao lưu (Bắc Từ Liêm) dù đưa vào sử dụng từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn thưa thớt người đến ở. Nhiều căn hộ còn trong tình trạng cửa đóng then cài hoặc niêm phong. Người dân ở đây cho biết, do chất lượng chung cư kém, tình trạng thấm dột, thang máy hay hỏng lại xa trung tâm… nên nhiều gia đình không muốn về ở.

Những khu TĐC mới đi vào hoạt động năm 2017 cũng không khá khẩm hơn. Khu TĐC Hoàng Cầu với 4 tòa CT2A, CT2B, CT2C và CT3 được xây dựng khá khang trang nhưng số dân đến ở rất khiêm tốn. Nhiều căn hộ suất ngoại giao được chính chủ rao bán rầm rộ, với mức giá ngang ngửa dự án thương mại (29 - 30,5 triệu đồng/m2). Trong khi, giá gốc chỉ từ 14,5 - 16 triệu đồng/m2. Ông H.N, bảo vệ tòa nhà CT2B cho biết, hầu hết căn hộ đã bàn giao nhưng cư dân về lác đác. “Nhiều hộ dân còn gửi tôi chìa khóa, nhờ bán hộ. Mỗi căn hộ có giá chênh từ 550 triệu đồng đến 1 tỷ đồng tùy từng căn” - ông N. cho hay. Để chứng minh, ông N. còn đưa cho phóng viên xem một bảng danh sách dài những gia đình nhờ bán lại căn hộ.

Khu tái định cư Hoàng Cầu, quận Đống Đa.  Ảnh: Thanh Hải

Chung cảnh ngộ, khu TĐC N01 - N02 Tây Nam Đại học Thương mại của Ban quản lý Sở Xây dựng Hà Nội nằm ngay trên mặt đường Lê Đức Thọ - Cầu Giấy, có số hộ gia đình mác “TĐC” không nhiều. Dù được đánh giá là khu vực lý tưởng cho các hộ dân diện GPMB tuyến đường nối từ Bảo tàng Dân tộc học với đường 32, cầu vượt đường Bưởi chuyển về. Tuy nhiên, đó là trên… lý thuyết.

Thực tế, số lượng căn hộ được phủ kín chủ yếu là dân ngoài chuyển về sinh sống thông qua mua - bán. Thậm chí, hiện tại, các biển quảng cáo chào bán từ các sàn bất động sản lẫn chính chủ vẫn công khai ngay dưới các tầng hầm để xe.
Dự án kéo dài chứ không bỏ trống?

Những ai đi qua phố Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đều không khỏi thắc mắc, bởi một khối nhà chung cư cao hơn 20 tầng nằm ngay vị trí trung tâm nhưng nhiều năm nay không có người đến ở. Bằng phương pháp trực quan, ghi nhận cầu thang thoát hiểm bằng sắt của toà nhà đã gỉ sét, dây điện chằng chịt bao quanh ổ điều hòa. Nhiều mảng tường đã ngấm nước, bong tróc… Người dân xung quanh tận dụng trồng rau trong khuôn viên tòa nhà.

Theo đại diện Công ty TNHH bảo vệ Việt Dũng - đơn vị trông giữ toà nhà, đây là dự án TĐC với hơn 150 căn hộ do Công ty CP Tu tạo và Phát triển nhà làm chủ đầu tư. Năm 2015, chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện dự án sau nhiều năm gián đoạn song đến nay vẫn chưa đưa vào sử dụng. Nguyên nhân được cho là đang chờ GPMB dự án dải đất phía Nam đường Đại Cồ Việt. Sau đó, mới bố trí dân về ở.

Ông Nguyễn Thế Văn - Giám đốc Ban quản lý dự án Đại Cồ Việt thuộc Công ty CP Tu tạo và Phát triển nhà khẳng định: Tòa nhà TĐC 4A bị thi công kéo dài chứ không bỏ trống. Cụ thể, vào năm 2002, sau khi được Hà Nội chấp thuận điều chỉnh dự án Nam Đại Đại Cồ Việt, Công ty CP Tu tạo và Phát triển nhà đã đầu tư kinh phí để xây dựng quỹ nhà TĐC tại phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng) với 90 căn hộ, tại Đại Kim (quận Hoàng Mai) với 151 căn hộ và TĐC tại chỗ vào nhà VIII-C – lô VIII-C của dự án với 120 căn hộ. Song người dân đề nghị được TĐC tại chỗ. Vì vậy, ngoài quỹ nhà tại VIII-C, chủ đầu tư tiếp tục xây nhà TĐC tại chỗ 4A cao 24 tầng với 158 căn hộ.

“Quỹ nhà 4A ban đầu là nhà thương mại, theo luật được huy động vốn khi thi công xong móng. Nay chuyển thành nhà TĐC, chủ đầu tư bắt buộc phải tự bỏ vốn làm thời gian thi công kéo dài. Hiện nay, nhà TĐC 4A đã nghiệm thu xong và đang chờ trình tự GPMB để bố trí dân vào. Dự án vẫn có tiến độ triển khai tới quý IV/2020. Chủ đầu tư vì vậy đã thuê đơn vị quản lí, vận hành nên tòa nhà không bị bỏ trống.” – ông Văn cho biết.

“Việc TĐC người dân đi một khu vực mới là một vấn đề khó khăn, bởi sức ì ở lại rất lớn. Hầu hết người dân vẫn thích nơi ở cũ. Tại đó có những quán ăn thân quen, trường học, bệnh viện, chợ búa và con đường đi làm hằng ngày. Cho nên cần có có chính sách thật sự đột phá, đồng bộ. Không phải cứ xây nhà, làm đường lên là dân sẽ ra. Thực tế, họ vẫn quanh quẩn ở khu vực cũ và rao bán các suất TĐC tràn lan trên thị trường.

                                                                           TS.KTS Lê Thị Bích Thuận

(Còn nữa)