Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lạng Sơn: cảnh bảo thủ đoạn giả danh shipper để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thúy Hồng
Chia sẻ Zalo

Kintedothi- Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đã tạo điều kiện cho kẻ xấu giả mạo là nhân viên giao hàng (shipper) để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cán bộ Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lạng Sơn tuyên truyền kỹ năng sử dụng mạng internet, mạng xã hội để phòng tránh lừa đảo chiếm đoạt tài sản cho học sinh trên địa bàn.
Cán bộ Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lạng Sơn tuyên truyền kỹ năng sử dụng mạng internet, mạng xã hội để phòng tránh lừa đảo chiếm đoạt tài sản cho học sinh trên địa bàn.

Thông qua các buổi bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, các đối tượng lừa đảo tổ chức thu thập thông tin khách hàng đặt mua sản phẩm từ các bình luận công khai hoặc mua thông tin khách hàng qua các kênh thông tin khác.

Khi đã có được thông tin khách hàng và sản phẩm, đối tượng lừa đảo sẽ giả danh là shipper thuộc các công ty vận chuyển để gọi tới khách hàng vào giờ hành chính hoặc khi khách hàng không có nhà. Do không thuận tiện để nhận hàng và số tiền thanh toán không lớn nên khách hàng dễ dàng đồng ý với đề nghị để hàng vào trong sân nhà hoặc vị trí khác theo thỏa thuận và chuyển khoản thanh toán đến số tài khoản do đối tượng cung cấp.

Khi người dân chuyển khoản thành công cho đối tượng lừa đảo, chúng tiếp tục thông báo có sự nhầm lẫn, số tài khoản vừa nhận tiền chỉ là số tài khoản đăng ký làm hội viên shipper, khi chuyển tiền đến số tài khoản đó thì hệ thống sẽ kích hoạt gói cước hội viên, mỗi tháng sẽ tự động bị trừ 3 triệu đến 3,5 triệu đồng từ tài khoản ngân hàng của khách hàng…

Cuối tháng 9/2024, chị Trần Thị Bích, trú tại phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn nhận được cuộc gọi điện thoại di động từ một người đàn ông tự xưng là shipper nói chị có đơn hàng trị giá 100 nghìn đồng và sẽ qua nhà giao. Do trước đó chị Bích có đặt hàng trên mạng nên không nghi ngờ gì, lúc đó lại không có ai ở nhà nên chị Bích đã nói với shipper cứ nhét hàng qua khe cổng và gửi số tài khoản để chuyển tiền thanh toán.

Sau khi chuyển khoản thành công, đối tượng liền thông báo do nhầm lẫn nên số tài khoản trên là số đăng ký thẻ hội viên shipper, khi chuyển tiền vào đó, trung tâm sẽ kích hoạt gói cước hội viên, mỗi tháng tự động bị trừ 3,5 triệu đồng từ tài khoản chị Bích, đồng thời gửi cho chị đường link qua trang facebook cá nhân và số điện thoại giả mạo trung tâm để chị liên hệ hủy đăng ký hội viên. Do nghi ngờ lừa đảo nên chị đã không làm theo hướng dẫn; tuy nhiên sau đó đối tượng vẫn tiếp tục nhắn tin hướng dẫn chị hủy đăng ký theo đường link. “Vừa mất tiền, vừa bị gây phiền phức, điều đó khiến tôi rất bức xúc”- chị Bích cho hay.

Còn anh Lầu Minh Hoàng, trú tại xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn thì chia sẻ: đầu tháng 10/2024, anh nhận được cuộc điện thoại từ người lạ, tự xưng là shipper và nói rằng anh có đơn hàng trị giá 150 nghìn đồng. Do trước đó anh có đặt hàng trên mạng với giá trị tương tự và không ở nhà nên đã bảo shipper đem hàng tới nhà và sẽ có người trả tiền. Tuy nhiên, khi trở về, anh Hoàng hỏi người nhà thì biết rằng không có ai đến giao hàng cả.

Không chỉ 2 trường hợp trên, thời gian qua trên địa bàn tỉnh có nhiều người dân phản ánh về việc bị đối tượng gọi điện tự xưng là nhân viên shipper thông báo có đơn hàng để yêu cầu chuyển tiền nhằm chiếm đoạt. Theo tìm hiểu, tính từ tháng 8/2024 đến nay, trên địa bàn có khoảng 20 trường hợp phản ánh về tình trạng này.

Ngoài ra, trong thực tế còn nhiều trường hợp gặp phải tình huống tương tự nhưng do số tiền bị lừa chiếm đoạt không lớn nên không trình báo cơ quan chức năng.

Thủ đoạn giả mạo shipper giao hàng không phải là mới. Tuy nhiên, thời gian gần đây chiêu lừa đảo này lại được các đối tượng xấu sử dụng trở lại với một số biến tướng. Kẻ xấu lợi dụng những người mua hàng qua các sàn thương mại điện tử, các ứng dụng mạng xã hội (tiktok, facebook…) hoặc trên livestream (phát trực tiếp) để lại số điện thoại và địa chỉ nhận hàng, từ đó các đối tượng thu thập thông tin và thực hiện hành vi lừa đảo.

Thời điểm thực hiện thường là vào lúc nạn nhân không có nhà. Các đối tượng nói rằng chúng đã giao hàng và yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để trả tiền hàng. Với số tiền không quá lớn, nhiều người sẽ có tâm lý tin tưởng, không kiểm tra kỹ thông tin về đơn hàng và mắc bẫy của những kẻ lừa đảo. Với mỗi đơn hàng lừa đảo, những đối tượng này có thể chiếm đoạt từ vài trăm ngàn cho tới vài triệu đồng. Nhiều người đã mất tiền nhưng vì tâm lý lo ngại phiền phức và số tiền không quá lớn đã không trình báo cơ quan Công an. Vì vậy những đối tượng lừa đảo này ngày càng gia tăng và số tiền chiếm đoạt cũng không hề nhỏ.

Do đó, để phòng ngừa, ngăn chặn các đối tượng lừa đảo giả danh shipper, lực lượng Công an khuyến cáo người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi nhận số điện thoại lạ, không chuyển khoản khi chưa thấy sản phẩm đã đặt; không nên chuyển tiền cho người lạ và cần xác minh thật kỹ các thông tin trước khi chuyển khoản.

Hiện nay, các doanh nghiệp bưu chính, doanh nghiệp chuyển phát đều có website và ứng dụng để tra cứu thông tin mã vận đơn, do đó người dân nên chủ động truy cập để theo dõi đường đi của đơn hàng, đảm bảo đúng đơn hàng đã đặt trước khi nhận hàng. Khi bị lừa đảo hoặc phát hiện vụ việc có dấu hiệu lừa đảo bằng thủ đoạn trên, cần báo ngay cho Cơ quan Công an nơi gần nhất báo qua ứng dụng VNeID.