Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lạng Sơn cấp bách phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Thúy Hồng
Chia sẻ Zalo

kinhtedothi- Dịch tả lợn châu Phi đang lây lan diện rộng tại tất cả 11 huyện, thành phố của tỉnh Lạng Sơn với số lợn nhiễm bệnh buộc phải tiêu hủy đã lên tới hơn 12.000 con.

Một trong những nguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan ra diện rộng tại lạng Sơn là do một số địa phương cấp huyện, cấp xã chưa thực sự quyết liệt trong công tác chống dịch; chính quyền cơ sở chưa giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện công tác chống dịch theo đúng quy định; hộ chăn nuôi lợn chưa chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh thú y tối thiểu trong phòng, chống dịch bệnh; việc tổ chức xử lý, tiêu hủy lợn bệnh còn nhiều bất cập; chưa quản lý triệt để được việc vận chuyển lợn, giết mổ lợn trong vùng dịch theo quy định...

Từ đầu năm 2024 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát và hiện đã lây lan ra tất cả 11 huyện, thành phố của tỉnh Lạng Sơn
Từ đầu năm 2024 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát và hiện đã lây lan ra tất cả 11 huyện, thành phố của tỉnh Lạng Sơn

Tại địa bàn huyện Văn Quan, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn, từ tháng 5 đến nay, số lượng lợn bệnh buộc tiêu hủy là gần 2.000 con. Trước khi địa phương công bố dịch, trên địa bàn xuất hiện tình trạng nhiều thương lái từ các tỉnh khác thu gom lợn ốm, lợn bỏ ăn…. với giá rẻ. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến cho dịch bệnh ngày càng lây lan ra diện rộng.

Tính đến thời điểm này, số lợn chết và tiêu hủy tại Lạng Sơn là hơn 12.000 con
Tính đến thời điểm này, số lợn chết và tiêu hủy tại Lạng Sơn là hơn 12.000 con

Ông Nông Văn Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Quan cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo các xã thành lập các đội kiểm soát lưu động, phối hợp với công an, quản lý thị trường, trung tâm dịch vụ nông nghiệp để kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm với những trường hợp thu mua lợn bệnh giá rẻ. Bên cạnh đó, chúng tôi cung ứng vật tư hóa chất, vôi bột, thuốc sát trùng để thực hiện tiêu độc, khử trùng; đề nghị các xã thành lập các tổ phản ứng nhanh để phòng, chống dịch, cắm biển báo trên các tuyến đường thông báo tình hình dịch. Đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống dịch, như vậy mới đạt hiệu quả cao”.

Các địa phương đặt biển cảnh báo tại các lối ra vào xã, thôn để thông báo tới người dân tình hình dịch bệnh
Các địa phương đặt biển cảnh báo tại các lối ra vào xã, thôn để thông báo tới người dân tình hình dịch bệnh

Để ngăn ngừa sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Lạng Sơn đã tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi tiêm phòng vaccine phòng dịch (hiện số lợn đã tiêm đạt khoảng 10.000 con). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lạng Sơn cũng chỉ đạo cơ quan chuyên môn triển khai thí điểm tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi trên diện rộng tại các xã chưa có dịch. Kết quả, đã tiêm được hơn 3.000 liều vaccine, đến nay cơ bản đàn lợn sau tiêm đều phát triển bình thường.

Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Chúng tôi đã thành lập các đoàn đi kiểm tra, tổ chức thành các tổ trực tiếp đi các tổ, thôn để hướng dẫn về nghiệp vụ chuyên môn. Giải pháp quan trọng hàng đầu là tiêm phòng tập trung, sau đó hướng dẫn bà con vệ sinh chuồng trại chăn nuôi thường xuyên, hàng ngày và quan tâm đến thức ăn của vật nuôi, phải đun sôi nấu chín; chuồng trại và người chăn nuôi cũng phải vệ sinh để đảm bảo an toàn, chuồng chăn nuôi cũng phải có lưới bảo vệ để những vật môi giới như chuột, chim, gà, vịt, chó, mèo qua lại thì đó cũng có thể là môi giới để đưa virus gây dịch tả lợn châu Phi từ nơi khác tới”.

Tỉnh Lạng Sơn yêu cầu UBND các huyện, xã chỉ đạo, huy động toàn bộ lực lượng triển khai công tác chống dịch, thành lập các tổ tiêu hủy, phun tiêu độc khử trùng để tránh lây lan mầm bệnh.
Tỉnh Lạng Sơn yêu cầu UBND các huyện, xã chỉ đạo, huy động toàn bộ lực lượng triển khai công tác chống dịch, thành lập các tổ tiêu hủy, phun tiêu độc khử trùng để tránh lây lan mầm bệnh.

Tỉnh Lạng Sơn cũng yêu cầu UBND các huyện, xã chỉ đạo, huy động toàn bộ lực lượng để triển khai công tác chống dịch, thành lập các tổ tiêu hủy vật nuôi bị bệnh, phun tiêu độc khử trùng tránh lây lan mầm bệnh và tuyên truyền người dân chủ động phòng bệnh cho đàn vật nuôi, không giấu dịch. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục xây dựng kế hoạch mua vaccine, vật tư, phục vụ công tác phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm việc kiểm dịch tại gốc, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán động vật và sản phẩm động vật vào địa bàn.