Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lạng Sơn: hào quang mặt trời xuất hiện giữa trưa

Thúy Hồng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Trưa 18/4 người dân nhiều khu vực ở tỉnh Lạng Sơn thích thú khi chứng kiến vòng tròn sáng rực bao quanh mặt trời.

Sự xuất hiện của mặt trời đi kèm quầng hào quang thu hút nhiều sự chú ý và rất dễ quan sát trong điều kiện trời trong và không mây. Nhiều người cho rằng, đây là một hiện tượng hiếm gặp có thể là điềm báo nắng nóng, khô hạn. Hiện tượng quầng sáng mặt trời xuất hiện rõ nét nhất từ lúc 12 giờ trưa, mờ dần sau đó biến mất.

Hiện tượng mặt trời có quầng vào trưa 18-4 ở tỉnh Lạng Sơn
Hiện tượng mặt trời có quầng vào trưa 18-4 ở tỉnh Lạng Sơn

Theo các nhà thiên văn học, hiện tượng này được gọi là "quầng". Lâu nay trong tự nhiên thường chỉ xuất hiện các hiện tượng "quầng" và "tán" ở mặt trăng, ít gặp ở mặt trời.

Theo kinh nghiệm của dân gian, khi mặt trăng có vòng tròn rộng bao quanh thì gọi là "quầng" - báo hiệu trong thời gian tới sẽ ít mưa, nắng nóng và khô hạn. Còn khi trăng tán thì có thể sắp mưa to. Người xưa quan sát các hiện tượng tự nhiên này để đưa ra dự báo thời tiết với độ chính xác tương đối.

Theo các nhà khoa học, đây là hiện tượng bình thường được gọi là hào quang mặt trời (còn gọi là halo). Hào quang mặt trời xảy ra khi ánh sáng mặt trời tương tác với các tinh thể băng lơ lửng trong bầu khí quyển, tạo thành một quầng sáng màu trắng hoặc nhiều màu sắc đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím.

Quầng sáng hào quang này thường là một vòng tròn bao quanh mặt trời, đôi khi cũng là các cung, điểm trên bầu trời. Đây là một hiện tượng khá hiếm gặp nhưng đã xuất hiện ở nhiều địa phương khác. Người dân không nên lo lắng hay gán ghép hiện tượng này với các quan điểm không đúng. Để tránh ánh sáng mặt trời bị khúc xạ đi vào mắt có thể tác động không tốt đến mắt, người dân nên đeo kính râm để quan sát quầng mặt trời.