70 năm giải phóng Thủ đô

Làng trồng dưa hấu ở Sóc Trăng rộn ràng vào vụ Tết

Xuân Lương - Hồng Thắm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày này, nhiều cánh đồng dưa hấu ở xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng tràn ngập không khí rộn ràng thu hoạch dưa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán với niềm vui giúp nông dân thu nhập ổn định.

Nghề trồng dưa hấu đã gắn liền với cuộc sống của người dân xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) nhiều năm nay. Do phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương nên dưa hấu cho năng suất cao, trái to tròn, ngon ngọt vô cùng. 

Trên cánh đồng trồng dưa hấu tại xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng), các hộ dân đang tất bật thu hoạch vụ dưa hấu bán dịp Tết Nguyên đán 2024. Ảnh Xuân Lương
Trên cánh đồng trồng dưa hấu tại xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng), các hộ dân đang tất bật thu hoạch vụ dưa hấu bán dịp Tết Nguyên đán 2024. Ảnh Xuân Lương

Thời điểm thích hợp nhất để trồng dưa hấu Tết là khoảng ngày 15, 16 tháng 10 âm lịch và đến khoảng ngày 23, 24 tháng 12 âm lịch, người dân bắt đầu thu hoạch đồng loạt để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết.

Do phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương nên dưa hấu cho năng suất cao, trái to tròn, ngon ngọt vô cùng. Ảnh Xuân Lương
Do phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương nên dưa hấu cho năng suất cao, trái to tròn, ngon ngọt vô cùng. Ảnh Xuân Lương

Một thương lái mua dưa đến từ TP Hồ Chí Minh chia sẻ, dưa họ mua của  theo hình thức mua nguyên ruộng (mua mão). Khi thu hoạch, dưa trái tròn sẽ chọn trái đẹp đưa đi nơi khác bán phục vụ chưng tết, chủ yếu là thị trường ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. 

Thông thường, người dân bán mão dưa hấu cho thương lái. Ảnh Xuân Lương
Thông thường, người dân bán mão dưa hấu cho thương lái. Ảnh Xuân Lương

Bà Thạch Thị Sông (ấp Bét Tôn, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng), cho biết: Vụ dưa Tết này, gia đình bà trồng 3 công đất (3.000m2), trong đó có 2 công trồng dưa hấu tròn, 1 công đất trồng dưa hấu trái dài. Thông thường, người dân bán mão cho thương lái với giá 22 triệu đồng/công dưa trái tròn. Còn 1 công dưa trái dài cho năng suất khoảng 4,5 tấn, bán với giá 6.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, còn cho lợi nhuận trên 40 triệu đồng.

“Dưa trái dài để ăn, còn dưa trái tròn thương lái mua đưa đi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Năng suất dưa trái dài và dưa trái tròn khoảng 4,5 – 5 tấn/công. Thương lái mua mão, sau đó họ đưa đi nơi khác bán theo cân. Mỗi trái dưa dài có trọng lượng từ 5-6kg. Họ bán theo cân nên lời lắm”, bà Sông chia sẻ.

Ông Hồ Văn Chiến, ngụ cùng địa phương cho biết: Vụ dưa này ông trồng 3 công; gồm dưa trái tròn, dưa hoàng kim (dưa vàng). Hiện đã bán cho thương lái với giá 21 triệu đồng/công dưa tròn, còn dưa hoàng kim bán 23 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, ông thu lợi nhuận từ 15-16 triệu đồng/công. 

Theo ông Chiến, dưa trái dài trồng 2 tháng là thu hoạch, còn dưa hoàng kim là 55 ngày. Dưa trái dài mỗi trái nặng từ 5-6kg, còn dưa hoàng kim khoảng từ 3kg.

“Vụ dưa năm nay năng suất không cao bằng năm ngoái và trái không đẹp bằng vì bị ảnh hưởng thời tiết, nên thu nhập giảm so với năm ngoái. Năm ngoái tôi bán một công dưa trái tròn 25 triệu đông, dưa hoàng kim 28 triệu đồng. Nhưng so với trồng lúa thì thu nhập cao hơn”, ông Chiến cho biết thêm.

Theo giá thị trường Tết năm ngoái, giá dưa tròn chưng tết được bán với giá 28.000 đồng/kg, còn dưa hoàng kim bán với giá 32.000 đồng/kg. Theo tính toán, một công dưa mua của nhà nông là 22 triệu với năng suất 4,5-5 tấn. Bán với giá 28.000 đồng/kg thì thương lái thu về được từ 125 triệu đến 140 triệu đồng. Còn với dưa hoàng kim, tết năm ngoái bán giá 32.000đ/kg, thương lái thu về từ 96 – 128 triệu đồng. Trừ chi phí, thương lái thu lợi nhuận cao hơn rất nhiều lần so với người trồng dưa.