Làng trong phố

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không rõ cư dân đầu tiên đặt chân lên đất Kinh kỳ để làm ăn, buôn bán là ai, chỉ biết rằng, trước khi kinh thành Thăng Long được xây dựng vào năm 1010, thì nơi đây đã là vùng đất trù phú, cư dân đông đúc.

Hà Nội vốn đã là làng…

Thành Thăng Long có 2 khu vực chính, đó là nội thành và ngoại thành. Nội thành là nơi vua ở, là trung tâm hành chính - chính trị của nhà nước phong kiến tập quyền. Còn ngoài thành là khu vực thị dân bao gồm các làng xóm nông nghiệp, phố phường buôn bán và hệ thống chợ, bến thuyền… Khu phố cổ Hà Nội, xưa thường gọi là khu 36 phố phường, được hình thành từ đấy. Gọi là thị dân, nhưng thực chất cũng vẫn là nông dân từ các làng nghề ven đô quần tụ về làm ăn buôn bán. Lâu dần thành phường, thành phố. Chả thế mà cho đến tận hôm nay, đường phố trong khu phố cổ vẫn còn các tên gọi: Hàng Ngang, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Đường..., hay Lò Sũ, Lò Vôi… Và nơi đây cũng có nhiều ngôi chùa, đình, đền, miếu…, những di tích kiến trúc đặc trưng của cấu trúc làng. Đó chính là nét văn hóa độc đáo của khu phố cổ Hà Nội.
Một góc thị trấn Phùng.                Ảnh: Thường Lệ
Một góc thị trấn Phùng. Ảnh: Thường Lệ
Trải qua hơn nghìn năm phát triển, đến nay, diện mạo kiến trúc đô thị Hà Nội đã không ngừng biến đổi. Những nông dân vốn quen trồng lúa, trồng rau, làm nghề thủ công… từ các nơi tụ hội về ngoài thành Thăng Long thuở xưa chính là những cư dân đô thị đầu tiên của lịch sử đô thị Hà Nội. Nói như thế để thấy rằng, vì sao cho đến những năm đầu thế kỷ XXI, nét đặc trưng của cấu trúc TP này bao gồm các làng truyền thống và làng nghề vẫn không thay đổi. Cũng như mối quan hệ “phố - làng” và “văn minh đô thị - văn hóa làng” vẫn cứ tồn tại, hòa quyện với nhau, thậm chí còn đan xen chặt chẽ,  thể hiện qua kiến trúc, lối sống, hành vi ứng xử, lề thói và cả trong cung cách quản lý.

Làng ven đô… tồn tại hay không tồn tại?

Cách đây vài năm, GS Nguyễn Hải Kế - một nhà nghiên cứu về làng Việt đã cho rằng, đến hôm nay, Hà Nội vẫn chưa thể là một đô thị hoàn chỉnh, “mà vẫn chỉ ở phía bên kia làng xã!”. Đây là một nhận xét thú vị. Vì suy cho cùng, dù phát triển mạnh mẽ theo hướng hiện đại, với tốc độ đô thị hóa nhanh trong khoảng 15 năm trở lại đây, thì không gian đô thị Hà Nội vẫn luôn có một phần nông thôn trong đó. Năm 2008, sau khi mở rộng địa giới hành chính, cơn lốc đô thị hóa đã tràn đến vùng nông thôn rộng lớn của tỉnh Hà Tây cũ, làm biến đổi rất nhiều làng truyền thống, trong đó có cả các làng Việt cổ và làng nghề cổ truyền.

Những không gian xanh của làng như rặng tre, vườn cây, bờ ao bị chặt phá, san lấp để lấy chỗ xây nhà. Thậm chí cả vườn chùa, đất chùa, các không gian thiêng cũng bị thu hẹp. Các kiến trúc tín ngưỡng đặc trưng của làng như đình, chùa, đền, miếu vẫn còn giữ được, nhưng nhiều di tích đã và đang bị xuống cấp, hư hỏng. Nếu được trùng tu, sửa chữa thì lại bị biến dạng theo kiểu xây dựng mới như chuyện gác chuông, nhà tổ chùa Trăm Gian. Những làng cổ nổi tiếng như làng Nhật Tân, Ngọc Hà, Ngũ Xá, Láng, Bưởi… đã dần biến mất, thay vào đó là phường, là phố. Nhiều làng cổ đang dần phố hóa, đánh mất bản sắc truyền thống lâu đời như làng Cự Đà, làng xóm quanh khu vực Mỹ Đình. Đường Lâm - ngôi làng cổ duy nhất cả nước được xếp hạng Di tích văn hóa quốc gia đặc biệt, cũng đang phải vật lộn để giải quyết mâu thuẫn gay gắt giữa bảo tồn với thực tế cuộc sống của người dân đang đòi hỏi hàng ngày. Nhưng may thay, giữa cơn lốc đô thị hóa, còn nhiều làng nghề truyền thống, làng cổ như làng Đông Ngạc, Sơn Đồng, Vạn Phúc… vẫn lưu giữ, phát triển được nghề truyền thống hoặc cấu trúc cơ bản của một làng thuần Việt…

Chúng ta không thể thay đổi quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa. Bởi đó là quy luật tất yếu của sự phát triển. Nhưng không vì thế mà làm mất đi, hoặc đánh đổi bằng mọi giá các giá trị truyền thống tốt đẹp. Lịch sử đô thị Hà Nội là lịch sử phát triển từ làng lên phố và trong phố có làng. Vậy làm thế nào để bảo tồn được các làng truyền thống của Hà Nội trong quá trình phát triển? Đây là bài toán khó, cần có những lời giải khách quan, khoa học và không duy ý chí. Phải chăng, bảo tồn là chỉ giữ gìn, bảo vệ sự tồn tại nào đó, để cho nó không mất đi, mà không phải để cho nó phát triển. Nhưng không vì thế mà chúng ta không chấp nhận sự thay đổi, chấp nhận những yếu tố mới trong không gian làng cổ. Chúng ta kiên quyết giữ gìn các thành tố cơ bản tạo nên cấu trúc làng Việt truyền thống, đó là các di tích vật thể như đình, đền, chùa, miếu, ao làng, giếng làng, không gian cảnh quan cây xanh, mặt nước. Các di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian, điệu hát ru, ca dao tục ngữ, lối sống nhân ái trọng tình làng, nghĩa xóm, theo kiểu “chị ngã em nâng”, “lá lành đùm lá rách”…

Vĩ thanh…

Tôi là người hay hoài niệm mỗi khi nghĩ về làng. Nhưng cuộc sống luôn hướng về phía trước và phải có thói quen chấp nhận... Hà Nội đến năm 2050 chắc là sẽ có quá nhiều thay đổi. Một Hà Nội hiện đại, văn minh với bộ mặt kiến trúc to lớn hoành tráng để xứng tầm là Thủ đô của một đất nước phát triển với hơn 100 triệu dân. Khi ấy, lớp chủ nhân mới của Hà Nội tuổi độ 20 - 30 sẽ sống trong các căn hộ cao cấp, đầy đủ tiện nghi. Đi lại bằng tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, xe buýt nhanh hay trên những chiếc ô tô đời mới nhất. Và cũng khi ấy, không biết những ngôi làng cổ ngày hôm nay có còn không, hay sẽ lại trở thành phố, thành phường với muôn vàn tòa nhà cao tầng bằng bê tông, thép và kính lạnh lẽo, vô hồn. Nếu điều đó xảy ra thì thật đáng tiếc! Bởi vì Hà Nội sẽ bị mất một phần hồn cốt của mình, hồn cốt của một đô thị hình thành và phát triển vốn từ “làng lên phố và trong phố có làng!”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần