Lãnh đạo Anh, Pháp hứng chịu làn sóng chỉ trích vì cùng Mỹ tấn công tên lửa vào Syria

Nguyễn Phương (Theo AFP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang phải đối mặt với sự chỉ trích của các nhà lập pháp trong nước sau khi cùng Mỹ tiến hành các cuộc không kích Syria trong chiến dịch quân sự đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền.

Việc Anh, Pháp bất ngờ cùng Mỹ tiến hành không kích Syria hôm 14/4 vừa qua đã làm dấy lên tranh cãi trong nội bộ các quốc gia này.
Mặc dù chính phủ Syria bác cáo buộc liên quan vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma hôm 7/4 nhưng cả LondonParis đều cho rằng đã có bằng chứng cho thấy chính quyền Tổng thống Assad có sử dụng vũ khí hóa học trong vụ tấn công này.
 Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. 
Thủ tướng Anh Theresa May hiện vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ các nghị sĩ vì đã cùng Mỹ tham gia tấn công Syria mà không đợi sự chấp thuận từ Quốc hội nước này.
Các nghị sĩ nói rằng Thủ tướng May đã không để Quốc hội thảo luận và cũng không đợi cuộc điều tra của Liên Hợp quốc (LHQ) mà tiến hành ngay vụ tấn công. Bà May bị chỉ trích vì không giải quyết các thắc mắc từ các nghị sĩ.
Thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbyn đã kêu gọi Quốc hội Anh thông qua một quy định ngăn chính phủ được phép tự ý quyết định hành động quân sự trong hầu hết các trường hợp.
Phát biểu tại Quốc hội ngày 16/4, bà May cho rằng, với tư cách Thủ tướng, bà có trách nhiệm phải đưa ra quyết định và bà đã quyết định can thiệp "vì lợi ích quốc gia" của Anh.
Biện hộ cho việc cùng Mỹ tham gia không kích Syria, Thủ tướng May nhấn mạnh rằng nước Anh đã hành động vì lý do nhân đạo và được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, một cuộc thăm dò mới nhất cho thấy số lượng người Anh ủng hỗ quyết định tấn công Syria của Thủ tướng May rất thấp. Theo kết quả thăm dò do Survation for the Mail thực hiện, chỉ khoảng 36% số người được hỏi ủng hộ Anh không kích Syria, 40% phản đối và số còn lại không trả lời.
 Lãnh đạo Anh và Pháp bị chỉ trích vì cùng Mỹ tấn công tên lửa Syria.
Còn ở Pháp, trong cuộc họp ngày 16/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã bị các thành viên Quốc hội tỏ ra không hài lòng khi  quyết định tham gia tấn công Syria nhưng không tham khảo ý kiến ​​của cơ quan lập pháp.
Trước đó, trả lời phỏng vấn truyền hình, Tổng thống Macron khẳng định việc Pháp tham gia chiến dịch không kích tại Syria "mang tính hợp pháp quốc tế", bởi theo nghị quyết của LHQ về Syria, Damascus có trách nhiệm phải tiêu hủy kho vũ khí hóa học của mình.
Ông Macron đã bị chỉ trích từ cả lãnh đạo phe cánh tả và cánh hữu. Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Marine Le Pen đã buộc tội Tổng thống Macron chưa đưa ra bất kỳ bằng chứng nào về việc sử dụng vũ khí hoá học của chính quyền Tổng thống Assad.
Lãnh đạo phe cánh tả Jean-Luc Mélenchon cho rằng ông Macron đã tiến hành vụ không kích mà không đưa ra được bất kì bằng chứng nào cho thấy chính quyền Syria đã sử dụng vũ khí hóa học vốn là cái cớ để liên quân quốc tế phát động tấn công.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần