Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với Thành phố Hà Nội

KT&ĐT
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Năm 2021, TP Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong các cuộc thăm, làm việc, những chỉ đạo sát thực tiễn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là cơ sở để TP triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng thể chế, phát triển KT-XH và phòng, chống dịch.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Xứng đáng vị thế anh hùng, vị trí chiến lược

Tối 11/2/2021 (30 Tết Nguyên đán Tân Sửu), thăm và chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, Hà Nội có vị trí, vai trò đặc biệt, là Thủ đô, trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Hà Nội có nhiều thuận lợi, là Thủ đô nghìn năm văn hiến anh hùng, có bề dày lịch sử, văn hóa…

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với Thành phố Hà Nội - Ảnh 1

Hà Nội cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách, phải có ý thức trách nhiệm lớn hơn trước những nhiệm vụ chính trị đặt ra; đặc biệt trong năm qua, đại dịch Covid-19 đã tác động mọi mặt đời sống của Thủ đô. Mặc dù vậy, Hà Nội đã khẳng định được vai trò, vị trí xứng tầm của Thủ đô, trong mấy năm qua đã phát triển rất nhanh. Có thể nói, cùng với đất nước, Hà Nội chưa bao giờ có được cơ ngơi như ngày nay. Sự phát triển của TP không chỉ ở nội thành mà còn ở ngoại thành, trên các mặt, lĩnh vực.

Theo Tổng Bí thư, đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, thuận lợi nhiều nhưng khó khăn cũng không nhỏ, nhiều trở ngại đột xuất, khó lường, vì vậy, tuyệt đối không được chủ quan thỏa mãn.

Hà Nội đã phát triển, nhưng còn nhiều vùng còn hạn chế, chưa phát triển đồng đều, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô Hà Nội tiếp tục phát huy truyền thống văn hiến và anh hùng, hào hoa, thanh lịch, phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với truyền thống vẻ vang, với vị thế chiến lược của Thủ đô.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Hà Nội phải là trung tâm sản xuất phát triển mạnh mẽ

Ngày 13/8/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm, động viên và làm việc với lãnh đạo của TP Hà Nội về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Chủ tịch nước đánh giá cao cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị của Thủ đô với sự lãnh đạo của Thành ủy, HĐND, UBND, UBMT TQ... đã rất nỗ lực, cố gắng bảo vệ an toàn cho Thủ đô, đặc biệt là đội ngũ y tế, các lực lượng chống dịch tuyến đầu.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với Thành phố Hà Nội - Ảnh 2

Chủ tịch nước đánh giá cao việc Hà Nội chủ động các phương án điều trị, “4 tại chỗ” được phát huy, người dân sẵn sàng chấp hành nghiêm chỉ đạo của ngành y tế, các cấp, các ngành... Chủ trương của TP đã thấm đến từng người dân, đoàn thể. Đặc biệt, trong quá trình đó, Thành ủy, UBND TP đã lắng nghe ý kiến của người dân; biết dựa vào dân, huy động sức mạnh người dân trong phòng, chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, TP không được chủ quan trước những biến thể mới của Covid-19; tiếp tục phát huy tinh thần 5K + vaccine. Đặt người dân ở vị trí trung tâm trong công tác của cấp ủy, chính quyền. Mọi hành động, chính sách của chính quyền phải hướng đến chăm lo tốt hơn cho người dân, quan tâm đến những suy nghĩ của người dân, lắng nghe tiếng nói của người dân.
Đồng thời chủ động tìm các biện pháp hỗ trợ DN, khắc phục khó khăn, kết hợp chống dịch và duy trì sản xuất, kinh doanh ở mức độ phù hợp để có nguồn lực chống dịch, đảm bảo an sinh, ổn định xã hội. Hà Nội cần có kế hoạch tái thiết nền kinh tế ổn định tâm lý xã hội, nhất là các giải pháp tài khóa, tài chính, khoa học và công nghệ để sau khi chống dịch thành công, Hà Nội phải là trung tâm sản xuất phát triển mạnh mẽ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Chính phủ luôn đồng hành với Hà Nội

Ngày 19/7/2021, tại cuộc làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần Chính phủ sẵn sàng đồng hành với Hà Nội bất cứ lúc nào để giải quyết các tồn đọng, vướng mắc, khó khăn, trước mắt là phòng, chống Covid-19.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với Thành phố Hà Nội - Ảnh 3

Nhắc nhở TP tiếp tục đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng trong bất cứ hoàn cảnh nào, Thủ tướng lưu ý phải huy động sự vào cuộc của người dân và DN. Phát huy tối đa truyền thống văn hóa lịch sử hào hùng của Thủ đô trong phát triển toàn diện, bền vững, theo chiều sâu; phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, đi cùng với bảo đảm an sinh xã hội. Huy động nguồn lực xã hội, gồm nguồn lực về tinh thần, văn hóa, truyền thống lịch sử và các nguồn lực vật chất.

Trong đó, nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Trong phòng, chống dịch Covid-19, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa có dịch hoặc khi dịch đi qua; không được mất bình tĩnh, hoảng sợ, mất kiên định, kiên trì khi dịch trở lại hoặc diễn biến phức tạp hơn, chuẩn bị kịch bản cao hơn bình thường…

Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và sự đồng lòng, quyết tâm của cán bộ, Nhân dân, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện tốt “mục tiêu kép” và các nhiệm vụ chính trị quan trọng khác, góp phần vào thành tích chung của cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Luật Thủ đô (sửa đổi) phải có tầm nhìn bao quát

Ngày 30/10/2021, tại Hội nghị lấy ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Luật Thủ đô năm 2012 có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng quá trình triển khai, tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế, tồn tại, còn chủ yếu mang tính chất khung, nguyên tắc, định hướng, tính hiện thực còn hạn chế; thậm chí một số khoản, điều của luật khác ban hành sau cao hơn Luật Thủ đô. Mục tiêu tạo đột phá cho Thủ đô phát triển của Luật Thủ đô năm 2012 chưa đạt được.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với Thành phố Hà Nội - Ảnh 4

Đặc biệt, quá trình tổng kết Luật Thủ đô năm 2012 phải làm rõ được những hạn chế tồn tại. Đồng thời, xác định rõ vị trí của Thủ đô là trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; làm rõ đặc trưng, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để thiết kế các điều luật.

Luật Thủ đô (sửa đổi) phải có tầm nhìn bao quát, tương xứng với tiến trình phát triển của đất nước, của Thủ đô mạnh mẽ, toàn diện gắn với phương châm “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”; bao hàm các quy định về thiết chế, quyền hạn có tính đặc thù, phương thức vận hành, quản trị TP theo hướng “Xanh - Văn minh - Hiện đại” gắn với chính quyền đô thị; có tầm nhìn dài hạn theo các mốc mục tiêu như Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP; huy động hiệu quả các nguồn lực phát triển Thủ đô trở thành TP kết nối toàn cầu vào năm 2045.