Ngày 21/4, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop thận trọng hoan nghênh quyết định của Triều Tiên. Phát biểu tại London, nơi bà đang dự cuộc họp lãnh đạo các nước thành viên Khối Thịnh vượng chung, Ngoại trưởng Bishop nhấn mạnh việc nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố dừng các cuộc thử nghiệm tên lửa, hạt nhân cho thấy chiến dịch quốc tế gây áp lực tối đa về ngoại giao, chính trị và kinh tế đối với Bình Nhưỡng đang phát huy hiệu quả rõ rệt”.
Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thận trọng hoan nghênh quyết định của Triều Tiên ngừng thử tên lửa và hạt nhân cũng như đóng cửa một địa điểm thử hạt nhân trước thềm các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều. Thủ tướng Abe gọi diễn biến mới nhất này là "tích cực", song cảnh báo rằng vẫn còn phải xem liệu động thái kể trên có dẫn đến một sự dỡ bỏ hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược chương trình hạt nhân của Triều Tiên hay không.
Tại Đức, Ngoại trưởng Heiko Maas ngày 21/4 cũng đánh giá tích cực với quyết định của Triều Tiên, xem đây là một bước đi đúng hướng, tuy nhiên cho rằng Bình Nhưỡng cần phải công bố về chương trình hạt nhân và tên lửa của mình. Ngoại trưởng Maas nhấn mạnh để tiến tới một tiến trình chính trị nghiêm túc nhằm hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng cần phải có các bước đi cụ thể và công bố toàn bộ chương trình hạt nhân và tên lửa của mình theo cách có thể kiểm chứng được. Theo ông Maas, yêu cầu này phù hợp với kỳ vọng của cộng đồng quốc tế.
Chính phủ Anh ngày 21/4 cũng hoan nghênh quyết định ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên sẽ là một bước đi tích cực, đồng thời hy vọng rằng đây là một dấu hiệu thiện chí. Tuyên bố của Chính phủ Anh nêu rõ London hy vọng điều này cho thấy nỗ lực tiến tới đàm phán một cách thiện chí của Triều Tiên.
Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini. |
Trong khi đó, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini tuyên bố, quyết định của Triều Tiên ngừng các cuộc thử hạt nhân là một bước đi tích cực, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng tiến hành việc phi hạt nhân. Theo bà Mogherini, các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều sắp tới sẽ là cơ hội "để xây dựng lòng tin và mang tới thêm nhiều kết quả tích cực và cụ thể". Bà Mogherini cũng tuyên bố, lập trường của EU về Triều Tiên hiện vẫn không thay đổi, đó là kết hợp trừng phạt với các kênh liên lạc mở.
Tại châu Á, Trung Quốc hoan nghênh quyết định của Triều Tiên ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Theo Tân Hoa Xã, trong một tuyên bố đưa ra ngày 21/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định Bắc Kinh hoan nghênh quyết định mới nhất này của nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Ngày 21/4, Bộ Ngoại giao Nga hoan nghênh tuyên bố của Triều Tiên về việc ngừng các cuộc thử hạt nhân và tên lửa, đồng thời kêu gọi Mỹ và Triều Tiên giảm các hoạt động quân sự tại khu vực Đông Bắc Á. Tuyên bố nêu rõ Moscow đánh giá quyết định mới nhất của Bình Nhưỡng là "một bước tiến quan trọng hướng tới tương lai giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên".
Trước đó, ngày 21/4, Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết Bình Nhưỡng sẽ dừng các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, cũng như đóng cửa một bãi thử hạt nhân ở miền Bắc nước.
Theo KCNA, phát biểu trong một cuộc họp của Đảng Lao động Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim tuyên bố khi việc trang bị vũ khí hạt nhân đã được thực hiện, Bình Nhưỡng không cần phải tiến hành thêm bất kỳ vụ thử hạt nhân hoặc phóng thử tên lửa tầm trung, tầm xa cũng như tên lửa đạn đạo nào khác. Ông Kim Jong-un cũng khẳng định, Bình Nhưỡng sẽ tập trung mọi nỗ lực để xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa vững mạnh, huy động các nguồn nhân lực, vật lực để nhanh chóng nâng cao đời sống nhân dân.