Vụ “bán rẻ” đất vàng ở Bình Dương:

Lãnh đạo Tỉnh Bình Dương không dung túng, tiếp tay cho sai phạm?

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/8, phiên tòa xét xử cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và 27 bị cáo tiếp tục với tranh luận. Tự bào chữa, bị cáo Nam cho rằng, từ người soạn thảo đến Văn phòng Tỉnh ủy, Phó Bí thư Thường trực không có tư tưởng che giấu, hợp thức hóa sai phạm…

Trước đó, trong phần luận tội và đề nghị mức án, đại diện Viện KSND TP Hà Nội đã đề nghị HĐXX xử phạt cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam mức án từ 9 - 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Luật sư Hoàng Văn Hướng bào chữa cho bị cáo Trần Văn Nam tại phiên toà.
Luật sư Hoàng Văn Hướng bào chữa cho bị cáo Trần Văn Nam tại phiên toà.

Theo cáo buộc, giai đoạn là Phó Chủ tịch Tỉnh Bình Dương, bị cáo Trần Văn Nam đã ký công văn 3444 đồng ý giao đất cho Tổng công ty SX-XNK Bình Dương nhưng lại áp mức giá năm 2006 để thu tiền sử dụng đất năm 2012 (đơn giá 51.914 đồng/m2). Hành vi này khiến Nhà nước thất thoát hơn 760 tỷ đồng.

Đến giai đoạn 2015 - 2021, với cương vị là Bí thư Tỉnh ủy, bị cáo Nam biết Tổng công ty SX-XNK Bình Dương đã chuyển nhượng khu đất 43ha (tương đương 30% vốn góp của Tổng công ty SX-XNK Bình Dương tại Công ty Tân Phú) cho doanh nghiệp tư nhân (Công ty Âu Lạc) và không bàn giao lại đất cho công ty Nhà nước theo quy định.

Tuy nhiên, tại cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương ngày 17/4/2017, bị cáo Nam không chỉ đạo hủy hợp đồng chuyển nhượng để bảo toàn vốn. Hậu quả, khu đất thuộc sở hữu Nhà nước bị chuyển sang công ty tư nhân khiến Nhà nước thiệt hại hơn 984 tỷ đồng.

Bào chữa cho bị cáo Trần Văn Nam, luật sư Hoàng Văn Hướng - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, dự án Khu liên hợp sử dụng khoảng đất hơn 4.000ha là dự án rất lớn chưa có tiền lệ. Cùng với đó là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai thời kỳ này cực kỳ phức tạp, có nhiều chồng chéo, gây nhầm lẫn do đó không tránh khỏi những sai sót.

Mặt khác, thời điểm ra Văn bản 3444, có rất nhiều nhà đầu tư trong khu liên hợp phản đối cách tính tiền sử dụng đất tại thời điểm có quyết định giao đất vì họ đã hoàn thành nghĩa vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng từ lâu. Việc chậm bàn giao là do Nhà nước không hoàn thành nghĩa vụ bàn giao đất như cam kết và thậm chí đã xảy ra khiếu nại hành chính liên quan đến sự việc xác định giá đất. Trong bối cảnh đó, các đơn vị chuyên môn của UBND đã nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý và tin tưởng ý kiến của cơ quan chuyên môn nên bị cáo Nam đã ký văn bản trên.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam tại phiên toà.
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam tại phiên toà.

Trước cáo buộc bị cáo Nam che giấu, không chỉ đạo Tổng công ty SX-XNK Bình Dương hủy hợp đồng chuyển nhượng 30% vốn, theo luật sư Nguyễn Đình Hưng cần phải xem xét triệt để bối cảnh lịch sử để làm rõ văn bản này có trái luật không. Đối với khu đất 43ha, người lãnh đạo không quan sát hết nhưng sai ở đâu phải chịu ở đó nhưng chịu ở đây là gián tiếp, không thể cấu thành tội cố ý.

Luật sư Hưng cũng cho rằng, bị cáo Nam thành khẩn khai báo, không tranh công, không đổ lỗi cho cấp dưới. Ngoài ra, trong hồ sơ cũng thiếu tài liệu xác định thành tựu của Tỉnh Bình Dương trong thời kỳ bị cáo Nam phụ trách.

Trong khi đó, tự bào chữa tại tòa, bị cáo Trần Văn Nam cho rằng, cuộc họp ngày 17/4/2017 không có giá trị chỉ đạo. Ban Thường trực Tỉnh ủy không có trách nhiệm chỉ đạo đến cơ sở như thế. Nếu không có chuyện cổ phần hóa, Thường trực Tỉnh ủy họp về Tổng công ty SX-XNK Bình Dương rất ít, trừ khi có việc đột xuất. Việc bán 30% cổ phần tôi không nghe, không biết được. Từ người soạn thảo đến Văn phòng Tỉnh ủy, Phó Bí thư Thường trực không có tư tưởng che giấu, hợp thức hóa sai phạm.

“Cái này đau lòng lắm, vì bản chất lãnh đạo Tỉnh Bình Dương không dung túng, tiếp tay cho sai phạm, không có suy nghĩ hợp thức hóa. Chỉ có điều chúng tôi làm chập chờn, còn chậm, để kéo dài nhiều năm do chờ ý kiến” - bị cáo Nam nói.