Chiều nay, 30/11, Đoàn giám sát của TP Hà Nội do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP chủ trì đã tiến hành giám sát tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội về việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 (khóa XI) về phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) và Luật KH&CN năm 2022.
Theo Ban Giám hiệu Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, thành lập năm 1969, đến nay toàn trường có trên 1.000 cán bộ viên chức và người lao động, trong đó 520 cán bộ giảng dạy; có 14 đơn vị khối đào tạo, 11 đơn vị khối quản lý và phục vụ đào tạo, 6 đơn vị khối lao động sản xuất và chuyển giao công nghệ. Triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 (khóa XI) và Luật KH&CN năm 2013, giai đoạn 2017-2022, công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) của Trường đạt kết quả rất khả quan: Thực hiện 4 đề tài cấp Nhà nước, 42 đề tài NCKH cấp bộ, 4 đề tài NCKH cấp tỉnh, 225 đề tài NCKH cấp trường, 540 đề tài NCKH sinh viên, biên soạn 195 sách phục vụ đào tạo. Giảng viên, cán bộ nghiên cứu trong trường đã công bố 1.145 bài báo trên các tạp chí khoa học chuyên ngành và hội thảo trong, ngoài nước. Công tác xuất bản nội bộ cũng được Nhà trường rất chú trọng, đã xuất bản được 57 tài liệu, giáo trình phục vụ công tác đào tạo. Đồng thời, tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, workshop, tập huấn trong nước và quốc tế để trao đổi kinh nghiệm cũng như nâng cao năng lực nghiên cứu cho đội ngũ nhà khoa học.
Nổi bật trong giai đoạn này, số lượng bài báo đăng trên các tạp chí uy tín trong danh mục ISI và Scopus tăng, góp phần nâng cao vị thế của Trường. Số lượng đề tài NCKH các cấp cũng tăng đáng kể, phục vụ trực tiếp cho công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành xây dựng và đáp ứng nhu cầu đào tạo theo tín chỉ hiện nay. Số lượng hội thảo, hội nghị khoa học tăng hơn năm trước, với nội dung và tầm cỡ hội thảo tăng theo hướng đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ KHCN thường xuyên, Trường còn tham gia xây dựng và góp ý cho dự thảo các văn bản QPPL và thông tư của Bộ Xây dựng nhằm phát triển ngành xây dựng đạt trình độ tiên tiến ngang tầm các nước trong khu vực...
Phục vụ công tác NCKH, từ năm 2017 đến nay, Trường luôn quan tâm đầu tư trang thiết bị, phòng thí nghiệm hằng năm, là nơi để sinh viên học tập, NCKH cũng như để các giảng viên, nhà khoa học thực hiện nhiệm vụ NCKH, tăng tính thực tiễn của đề tài, dự án. Nhà trường đã xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ nhằm tạo quyền chủ động trong quản lý và chi tiêu tài chính cho thủ trưởng đơn vị; tạo quyền chủ động cho cán bộ, viên chức trong đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao, sử dụng tài sản đúng mục đích, có hiệu quả; khuyến khích tăng thu, tiết kiệm chi, thu hút và giữ được người có năng lực...
Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường cũng chia sẻ có một số khó khăn. Đó là về cơ sở hạ tầng, do nhà trường đang trong quá trình nâng cấp cải tạo cơ sở vật chất nên chưa đáp ứng được một số yêu cầu thực hành thí nghiệm hoặc nghiên cứu. Sự liên kết giữa các nhóm nghiên cứu mạnh trong nhà trường chưa được mạnh mẽ. Các giảng viên, nhà khoa học còn ít cơ hộitìm nguồn đề tài NCKH và hợp tác quốc tế. Đồng thời, công tác giải ngân kinh phí đề tài còn vướng mắc do các quy định về tài chính, hình thức chuyển giao kết quả đề tài của nhà trường vào sản xuất chưa được đa dạng...
Từ đó, lãnh đạo Trường nêu kiến nghị Nhà nước có cơ chế đầu tư phù hợp cho các tổ chức KH&CN đã chuyển đổi hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm để đầu tư cơ sở, tăng cường năng lực cho NCKH và chuyển giao công nghệ. Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ các tổ chức KH&CN công lập, đặc biệt tổ chức đã thực hiện cơ chế tự chủ trong việc thu hút, trọng dụng và đào tạo cán bộ NCKH có trình độ chuyên môn cao, góp phần nâng cao tiềm lực KHCN và giảm hiện tượng chảy máu chất xám của các đơn vị NCKH.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 và Luật KH&CN của Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, đặc biệt công tác nghiên cứu được quan tâm, nhiều đề tài có tính thiết thực, sát sườn với quá trình phát triển Thủ đô. Trường cũng đã dành cơ chế tài chính để phục vụ NCKH, chủ động khai thác nguồn đặt hàng gắn với việc đào tạo, quan tâm nâng cao chất lượng nguồn đào tạo...
"Hiện TP rất quan tâm đến phát triển KHCN, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô. Đề nghị với chức năng của mình, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội tham gia góp ý, tư vấn cho quá trình triển khai các Nghị quyết của T.Ư và chương trình công tác của TP" - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP nhấn mạnh.
Cùng đó, ông Nguyễn Anh Tuấn đề nghị nhà trường tiếp tục quán triệt chủ trương khoa học là động lực phát triển KT-XH, từ đó đẩy mạnh phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo của Thủ đô, nhất là trong việc phát triển đô thị. Trường cũng cần bám sát chủ trương, các chương trình lớn của TP để chủ động triển khai những đề tài khoa học gắn với quy hoạch, quản lý quy hoạch, giao thông, xây dựng...