Tâm lý thận trọng tác động nhà đầu tư
Tại Hội thảo chuyên đề Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5: "Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức", Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết: Trước ảnh hưởng của các biến động về kinh tế - chính trị trên thế giới cũng như các bước điều chỉnh chính sách trong nước, TTCK Việt Nam trong năm 2022 cũng đã trải qua nhiều biến động, với xu hướng giảm điểm bắt đầu từ tháng 4, trong đó có những nhịp phục hồi vào tháng 5 và tháng 8 và cuối tháng 11 đến nay.
Tính đến ngày 30/11/2022, chỉ số VN-Index đạt 1048,42 điểm, giảm 30% so với cuối năm 2021. Thanh khoản thị trường cũng có xu hướng giảm liên tục trong giai đoạn này, với giá trị giao dịch bình quân giảm từ 26.299 tỷ đồng/phiên trong tháng 4 xuống còn 13.017 tỷ đồng/phiên trong tháng 11. Tính chung 11 tháng năm nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 20.556 tỷ đồng/phiên, giảm 22,7% so với bình quân năm 2021.
Trong khi đó, chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 208,79 điểm, giảm 56% so với cuối năm trước. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM ngày 30/11/2022 ước đạt 5.383 nghìn tỷ đồng, giảm 30,7% so với cuối năm 2021, tương đương 63,5% GDP.
Theo đó, những biến động trên TTCK nêu trên chủ yếu xuất phát từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế - chính trị thế giới.
Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), khối lượng phát hành có xu hướng giảm trong thời gian qua. Tính đến ngày 25/11/2022, khối lượng phát hành TPDN là 331.811 tỷ đồng, giảm 31,6% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các Quý 1. Về cơ cấu phát hành, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản, xây dựng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng khối lượng phát hành. Các NHTM phát hành chiếm 41%, các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng chiếm lần lượt 28,59 % và 7,73% tổng khối lượng phát hành, doanh nghiệp sản xuất chiếm 6,72% tổng khối lượng phát hành.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nói: “Nếu như nền tài chính tốt, tăng trưởng kinh tế tốt và kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường tài chính sẽ ổn định”.
Dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng chậm lại trong năm 2023, nhưng vẫn đứng ở mức khá vào khoảng 6-6,5% (kịch bản cơ sở). Nhiều tổ chức quốc tế vẫn đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á của IMF (tháng 10/2022) dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam cao nhất trong ASEAN, đạt 7% trong năm 2022 và 6,2% trong năm 2023.
Theo lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán, chỉ số P/E của TTCK Việt Nam hiện ở mức 11,3 và được đánh giá là hấp dẫn, thấp hơn so với hầu hết thị trường khác trên thế giới. "Tất cả yếu tố trên cho thấy TTCK Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn", lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán chỉ ra.
Tuy nhiên, thời gian tới kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường nói riêng trong thời gian tới vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ngoài ra, việc lạm phát vẫn duy trì ở mức cao, lãi suất gia tăng trong thời gian qua và triển vọng kinh tế tăng trưởng chậm lại của một số nền kinh tế lớn sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng hàng nhập khẩu của người dân các nước này sụt giảm, nhất là tại các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Mỹ, EU.
Loạt giải pháp phát triển TTCK lành mạnh, bền vững
Tại hội thảo, các chuyên gia đề xuất cơ quan quản lý Nhà nước cần khẩn trương hoàn thiện thể chế, tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả cho thị trường tài chính, quan tâm kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính.
Từ việc nghiên cứu ban hành Luật bảo vệ nhà đầu tư và thành lập Quỹ bảo vệ nhà đầu tư như kinh nghiệm của Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ và Singapore nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, TS Cấn Văn Lực kiến nghị sửa đổi Nghị định 128/2021/ND-CP theo hướng tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trên thị trường chứng khoán, tăng tính răn đe và hiệu lực thực thi pháp luật (mức phạt tối đa hiện nay là 1,5 tỷ đồng với cá nhân và 3 tỷ đồng với tổ chức) vẫn thấp so với thiệt hại, sự suy giảm niềm tin đầu tư của cộng đồng.
Ngoài ra, theo ông Lực cơ quan quản lý cầu sớm ban hành Quy chế hướng dẫn Thông tư 120/2020/TT-BTC về giao dịch T+0 theo đúng kế hoạch, lộ trình, góp phần tăng thanh khoản thị trường đồng thời nhiên cứu sửa đổi một số tiêu chí của VN30 đảm bảo chất lượng, quy mô, hiệu quả của các doanh nghiệp lớn, dẫn dắt thị trường.
Đặc biệt, ông Lực cho rằng trong hoạt động truyền thông cần chú ý đưa thông tin chính xác về chính sách và tình hình kinh tế vĩ mô - thị trường, tránh xu hướng “tô hồng” cũng như đồn đại thông tin chưa chính thức vì điều này có ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, niềm tin người dân và nhà đầu tư.
Đại diện Ủy ban Chứng khoán Việt Nam cũng đưa ra một loạt các giải pháp để thị trường phát triển lành mạnh, bền vững hơn.
Thứ nhất, về hoàn thiện khung pháp lý và thể chế, Ủy ban cho biết đang rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc, từ đó khôi phục niềm tin của thị trường.
Thứ hai, về công tác giám sát, thanh tra trên thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, sẽ nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát, trong đó coi trọng tuyến giám sát thứ nhất là các công ty chứng khoán là cần thiết nhằm bảo đảm một thị trường vận hành minh bạch, hiệu quả.
Theo đó, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước sẽ tăng cường giám sát các công ty chứng khoán thực hiện đúng và đầy đủ vai trò là chủ thể giám sát tuyến đầu theo quy định tại Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn để kịp thời ngăn ngừa và phát hiện sớm các vi phạm trên thị trường. Ủy ban cũng cho biết sẽ có những cảnh báo sớm đối với nhà đầu tư về các rủi ro (nếu có) của thị trường, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Thứ ba, về hoạt động tổ chức thị trường, cơ quan này khẳng định, sẽ đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin KRX nhằm tạo điều kiện triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới và bảo đảm thị trường vận hành thông suốt, liên tục, an toàn, hiệu quả.
Ngoài ra, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cho biết đang chỉ đạo các bên liên quan chuẩn bị nền tảng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ nhằm phát triển một thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp minh bạch, an toàn; tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.