Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tăng lượng giao dịch về dịch vụ công (DVC) trực tuyến, thanh toán trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Tỉnh Lào Cai tăng cường chỉ đạo thúc đẩy hiệu quả việc cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích khác trên hệ thống Cổng dịch vụ công (DVC) của tỉnh.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong việc cung cấp DVC trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp; nâng cao số lượng hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến, hoàn thành các chỉ tiêu về cung cấp, sử dụng DVC trực tuyến của tỉnh, nhất là các DVC trực tuyến toàn trình thực hiện thí điểm không tiếp nhận hồ sơ giấy; đẩy mạnh việc số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh.
UBND tỉnh cũng đã đặt ra các mục tiêu cần thực hiện, cụ thể là:
Có 06 mục tiêu phấn đấu đạt trong năm 2024 gồm: 100% TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính, được triển khai thanh toán trực tuyến, cung cấp trên Cổng DVC Quốc gia, trong số đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 60% trở lên; Cung cấp tối thiểu 80% dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số TTHC có đủ điều kiện trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% TTHC được tích hợp, cung cấp trên Cổng DVC Quốc gia. Phấn đấu tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ tiếp nhận đạt tối thiểu 60%; Phấn đấu 70% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC trước đó, mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết TTHC đang quản lý, hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ; 100% hồ sơ giải quyết TTHC được số hoá, cập nhật và xử lý trên môi trường mạng; 100% cơ quan, địa phương thực hiện hiệu quả việc cung cấp DVC trực tuyến toàn trình thí điểm không tiếp nhận hồ sơ giấy.
Có 05 nhiệm vụ trọng tâm được đề ra, đó là: Cần rà soát, chuẩn hóa thông tin TTHC, cung cấp DVC trực tuyến một cách đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến xã, đồng thời công khai, cập nhật đầy đủ trên Cổng DVC tỉnh, Cổng DVC quốc gia theo quy định; Rà soát TTHC đủ điều kiện cung cấp DVC trực tuyến toàn trình, DVC trực tuyến một phần và các TTHC còn lại, trình Chủ tịch UBND tỉnh công bố theo quy định; Tập trung rà soát và cấu trúc lại quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên cơ sở liên thông điện tử và tái sử dụng dữ liệu để xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp chủ động tham gia thực hiện sử dụng dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến trong giải quyết TTHC; Tích cực thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh Lào Cai đưa ra 06 giải pháp cụ thể, đó là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng DVC trực tuyến; tăng cường giám sát chất lượng, thời gian giải quyết các hồ sơ TTHC đăng ký qua mạng trên Cổng DVC của tỉnh; Quyết liệt tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả cung cấp DVC trực tuyến; Ứng dụng CNTT, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng cung cấp DVC, đảm bảo an toàn, thiết thực, hiệu quả trong quá trình cung cấp DVC trực tuyến trên địa bàn tỉnh; 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức khi có nhu cầu giải quyết TTHC phải sử dụng DVC trực tuyến và thanh toán trực tuyến; chủ động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người thân sử dụng DVC trực tuyến và thanh toán trực tuyến; Chuẩn hoá dữ liệu TTHC, đảm bảo dữ liệu TTHC được đồng bộ, thống nhất giữa Cổng DVC của tỉnh với Cổng DVC quốc gia; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp về DVC trực tuyến, thanh toán trực tuyến. Thực hiện đầy đủ việc tiếp nhận các ý kiến phản ánh, góp ý của người dân, tổ chức đối với giải quyết TTHC.
UBND tỉnh yêu cầu cơ quan chuyên môn và các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện triển khai DVC trực tuyến, thanh toán trực tuyến một cách sáng tạo, hiệu quả, toàn diện; bám sát các mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh; xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.
Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cần đảm bảo nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; tận dụng tối đa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành Trung ương, địa phương phục vụ giải quyết TTHC một cách hiệu quả, góp phần hiện đại hoá và đơn giản hoá TTHC.
Đảm bảo đồng bộ với việc triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thử tướng Chính phủ; Đề án đổi mới việc thực hiện cơ một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo Quyết định 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.