Lao đao vì dịch bệnh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ đầu năm tới nay, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì đứng ngồi không yên vì cá chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Sản lượng cá giảm, trong khi giá thức ăn vẫn ngày một tăng cao, khiến nông dân không có lãi.

* Chưa xác định rõ nguyên nhân cá chết hàng loạt
 
Bên trang trại nuôi trồng thủy sản rộng 9.000m2 của gia đình, ông Nguyễn Hữu Tân, thôn 5, xã Đông Mỹ thở dài cho biết, mùa hè năm 2011, dịch bệnh đã làm chết hơn 1 tấn cá, thiệt hại khoảng 40 triệu đồng. Năm 2012, ông Tân tiếp tục vay vốn đầu tư vào ao cá mong gỡ gạc lại thiệt hại nhưng dịch bệnh vẫn kéo dài, khiến gia đình ông càng thêm khó khăn. Ước tính đến thời điểm này, gia đình ông Tân đã thiệt hại trên 40 triệu đồng, trong khi tiền đầu tư giống, thức ăn cũng lên tới gần 150 triệu đồng.
 
Lao đao vì dịch bệnh - Ảnh 1
Nuôi trồng thủy sản tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì. Ảnh: Quang Thiện

Trang trại nuôi cá giống của anh Hoàng Văn Dũng, thôn 5, xã Đông Mỹ cũng trong cảnh tương tự. Anh cho biết, thời điểm tháng 5 - 6/2012, gia đình anh đã bị thiệt hại khoảng 700 - 800kg cá giống, đưa tổng lượng cá bị chết từ đầu năm đến nay lên hơn 1 tấn. Với giá 26.000 - 27.000 đồng/kg cá giống, gia đình anh đã thiệt hại khoảng 30 triệu đồng. Điều đáng nói là, nếu như năm ngoái cá chết chủ yếu là rô phi, thì năm nay cả cá trắm, trôi, mè cũng bị chết hàng loạt.

Theo các hộ dân, hầu hết cá chết trong các ao, đầm có triệu chứng bị thối ruột, vỡ mật, đầu rúc xuống đất, tuy nhiên chưa xác định được rõ dịch bệnh. Trong khi đó, người dân tìm mua thuốc trừ bệnh sinh học với giá khá đắt, khoảng 350.000 đồng/chai 250ml. Bình quân mỗi hộ phải chi khoảng gần chục triệu đồng để mua thuốc nhưng tình hình dịch bệnh vẫn chưa giảm. Một điều băn khoăn nữa, trong khi sản lượng thủy sản bị sụt giảm nhưng giá thức ăn cho tôm cá vẫn đang tiếp tục tăng, gây khó khăn cho sản xuất. Hiện tại, giá cám cho cá ở mức 340.000 đồng/bao 25kg, tăng 60.000 - 70.000 đồng/bao so với năm ngoái.

Toàn xã Đông Mỹ có 110ha nuôi trồng thủy sản, cung cấp cho thị trường Hà Nội khoảng 700 tấn cá/năm. Đây là một trong những hướng phát triển kinh tế chủ lực mang lại hiệu quả cao, đã được xác định trong chương trình xây dựng nông thôn mới của xã. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Báu, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Đông Mỹ, dịch bệnh kéo dài trong thời gian qua đã khiến sản xuất của các hộ dân gặp rất nhiều khó khăn, sản lượng cá giảm đáng kể.

Vấn đề lo lắng nhất của các hộ nuôi trồng thủy sản là chưa xác định rõ ràng dịch bệnh trên cá. Bởi vậy, dù đã thử rất nhiều loại thuốc nhưng tình trạng cá chết hàng loạt vẫn tái diễn. Do đó, người dân mong muốn các cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân cá chết và có hướng giúp bà con nông dân khắc phục tình trạng trên, giảm thiệt hại. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ về vốn để các hộ tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất.