Lao dốc mạnh, dầu WTI giảm 8% và 9% với dầu Brent

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự báo đầy khó khăn khi dịch Covid-19 do biến thể Delta tác động, cùng áp lực nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu giảm khiến giá xăng dầu hôm nay ghi nhận tuần lao dốc mạnh.

Khép tuần giao dịch, giá dầu hôm nay 22/8 ghi nhận, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2021 trên sàn New York Mercantile Exchanghe đứng ở mức 61,86 USD/thùng, còn giá dầu Brent giao tháng 10/2021 đứng ở mức 64,98 USD/thùng, giảm lần lượt 8% và 9% so với đầu tuần giao dịch.
Giá xăng dầu ghi nhận tuần lao dốc mạnh (ảnh minh họa).
Hiện giá xăng dầu trong nước hôm nay ghi nhận, các mặt hàng tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 20.498 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 21.681 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 16.173 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 15.179 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 15.405 đồng/kg.
Các chuyên gia phân tích, giá dầu thô bước vào tuần giao dịch từ ngày 16 – 20/8 với dự báo đầy khó khăn khi dịch Covid-19 do biến thể Delta tác động ngày một lớn hơn đến các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu. Nhiều quốc gia tiêu thụ dầu thô hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc đã tái áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, hạn chế đi lại.
Mùa Hè nắng nóng khắc nghiệt qua đi, kỳ nghỉ hè kết thúc tại châu Âu cũng tạo áp lực lớn đến triển vọng nhu cầu tiêu thụ thô, qua đó cũng khiến giá dầu có tuần giao dịch giảm mạnh.
Biến động chính trị ở Afghanistan cũng là nhân tố tác động tiêu cực đến giá dầu hôm nay, nhiều hãng hàng không quốc tế đã phải tạm ngừng các chuyến bay qua không phận của quốc gia này trước khi tìm được lịch trình mới phù hợp.
Theo báo cáo hàng tháng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng thêm 5,3 triệu thùng/ngày, lên mức trung bình 96,2 triệu thùng ngày trong nửa cuối năm 2021, giảm 500.000 thùng/ngày so với các dự báo trước đó.
Báo cáo của IEA cho biết, nhu cầu dầu toàn cầu đã “đột ngột đảo chiều” vào tháng trước và giảm nhẹ sau khi tăng 3,8 tiệu thùng/ngày vào tháng 7. Nguyên nhân của hiện tượng này là do dịch Covid-19 diễn biến lan mạnh làm gián đoạn hoạt động của nhiều nước châu Á.
Còn số liệu Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc vừa công bố, trong tháng 7/2021, công suất của các nhà máy lọc dầu của nước này chỉ đạt 13,96 triệu thùng/ngày, giảm 6% so với mức kỷ lục 14,86 triệu thùng/ngày được ghi nhận vào tháng 6/2021, và giảm tới 9% so với cùng kỳ 2020.
Ảnh minh họa.
Nhiều ngân hàng lớn cũng đưa những dự báo ít tích cực hơn về nhu cầu dầu. Goldman Sachs đưa dự báo thâm hụt nguồn cung dầu sẽ giảm từ 2,3 triệu thùng/ngày xuống 1 triệu thùng/ngày trong ngắn hạn với lý do lực cầu giảm trong tháng 8 và 9. Còn PM Commodities Research nhận thấy “đà phục hồi lực cầu toàn cầu chững lại trong tháng 8”, chỉ xấp xỉ 98 triệu thùng/ngày như tháng 7.
Trong khi nhu cầu dầu thô có chiều hướng yếu đi thì ở chiều ngược lại, IEA cho biết sản lượng dầu khai thác toàn cầu lại đang có xu hướng tăng sau khi OPEC+ tăng sản lượng khai thác.
Dữ liệu từ Công ty Dịch vụ Baker Hughes cho biết, sản lượng khai thác dầu thô của Mỹ đã tăng lên mức 11,4 triệu thùng/ngày trong tuần gần nhất và số lượng giàn khoan tiếp tục ghi nhận tuần tăng thứ 3 liên tiếp.
Trung Quốc cũng được cho là đã rút một số dầu thô từ các kho dự trữ chiến lược trong tháng 7, bất chấp công suất các nhà máy lọc dầu của nước ngày xuống mức thấp nhất hơn một năm qua. Điều này có nghĩa nguồn cung dầu trên thị trường dầu thô càng trở lên dồi dào và có nguy cơ thặng dư.
Những yếu tố trên diễn ra trong bối cảnh OPEC+ đang triển khai lộ trình tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày hàng tháng bắt đầu từ tháng 8/2021 đến hết năm 2021.
Tuy nhiên, giá dầu ngày 22/8 cho thấy nhiều tín hiệu tích cực trên thị trường dầu thô. Đó là việc các nước châu Âu tiếp tục nới lỏng, mở cửa trở lại nhiều hoạt động kinh tế, xã hội. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chững lại những vẫn duy trì, không rơi vào trạng thái suy thoái.
Doanh số bán lẻ của nền kinh tế Trung Quốc trong tháng 7 tăng trưởng 8,5% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức kỳ vọng 11,5% được Reuters đưa ra sau một cuộc thăm dò trước đó. Sản xuất công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 7 cũng tăng thấp hơn con số kỳ vọng 7,8%, chỉ tăng 6,4%.
Tại Mỹ, các số liệu về kỳ vọng tiêu dùng và tâm lý tiêu dùng Michigan tháng 8 vừa được công bố cũng thấp hơn các dự báo được đưa ra trước đó, trong đó: Kỳ vọng tiêu dùng của Michigan chỉ đạt mức 65,2 điểm, thấp hơn nhiều mức dự báo 85,0 của Investing và con số 79,0 của tháng 7; Tâm lý tiêu dùng của Michigan tháng 8 sơ bộ ở mức 70,2, thấp hơn mức dự báo 81,2 của Michigan và số liệu 81,2 của tháng 7.