Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lao động bảo hiểm thất nghiệp học nghề, thu nhập 10 - 15 triệu đồng/tháng

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sau khi tham gia khóa đào tạo nghề ngắn hạn của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, nhiều người lao động đã quay trở lại thị trường lao động, lại có những người khởi nghiệp từ chính nghề đã học thu nhập 10 - 15 triệu đồng/tháng.

Học nghề, khởi nghiệp thành công

Lần đầu đến quán Cam (64 phố Hàng Than, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), chúng tôi ấn tượng với cách thiết kế và bài trí ở nơi này rất gọn gàng, đẹp và bắt mắt. Chị Phùng Thị Minh Hiền là chủ quán vừa pha đồ uống cho khách, vừa chia sẻ, trước đậy chị làm điều dưỡng tại một bệnh viện tại quận Đống Đa. Do thu nhập không đảm bảo cuộc sống gia đình nên chị đã xin nghỉ, hưởng 12 tháng trợ cấp thất nghiệp ở Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Hình ảnh chị Phùng Thị Minh Hiền tại quán Cam. Ảnh: Trần Oanh.
Hình ảnh chị Phùng Thị Minh Hiền tại quán Cam. Ảnh: Trần Oanh.

"Hai tháng đầu hưởng trợ cấp thất nghiệp, tôi không nghĩ đến học nghề vì đã có công việc nhận đặt làm các lẵng hoa. Rồi một lần tôi được nhân viên Trung tâm tư vấn và đã quyết định đăng ký học nghề Pha chế đồ uống... Cách đây hơn 2 tháng, tôi thuê một địa điểm ở phố Hàng Than, đầu tư hơn 100 triệu đồng để mở quán Cam bán trà, cà phê, sinh tố, nước ép trái cây và đặt làm lẵng hoa cho khách” - chị Hiền cho biết.

Quán Cam có diện tích khoảng 7m2 nên chủ yếu bán đồ uống cho khách hàng mua mang đi. Mỗi tháng trừ tiền thuê cửa hàng và các loại chi phí, thu nhập từ quán Cam đã giúp 3 mẹ con chị Hiền đảm bảo cuộc sống.

Trung bình, mỗi ngày chị An nhận được khoảng 50 đơn hàng đặt mua đồ ăn của khách. Ảnh: Trần Oanh.
Trung bình, mỗi ngày chị An nhận được khoảng 50 đơn hàng đặt mua đồ ăn của khách. Ảnh: Trần Oanh.

Còn với chị Nguyễn Thị Hải An (phố Trần Điền, phường Định Công, quận Hoàng Mai), có trên 20 năm làm cho công ty thiết bị y tế, do tình hình hoạt động khó khăn nên năm 2021 đã quyết định xin nghỉ việc để khởi nghiệp. Do trước đó đã có thời gian hỗ trợ con gái làm các loại bánh bán hàng online nên chị Hải An đã đăng ký học nghề Kỹ thuật Nấu ăn. “Thời gian đi học lớp Kỹ thuật Nấu ăn do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức, tôi vẫn nhận đơn hàng online. Với những kiến thức và kỹ năng nghề đã học, tôi áp dụng vào chế biến các món ăn phục vụ khách. Kết quả là món ăn ngon hơn, đến tháng thứ hai học nghề thì số đơn hàng đặt qua các ứng dụng tăng vọt”- chị Hải An phấn khởi chia sẻ.

Việc học nghề của chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã giúp chị Hải An có công việc ổn định, thu nhập 15 triệu đồng/tháng. Ảnh: Trần Oanh.
Việc học nghề của chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã giúp chị Hải An có công việc ổn định, thu nhập 15 triệu đồng/tháng. Ảnh: Trần Oanh.

Giờ đây, chị Hải An đã có gian hàng “Hộp đủ chất” với hơn 20 món súp, salat, xá xíu, cơm Nhật... trên 3 kênh bán hàng online là Grab, Shopee, Be. Trung bình mỗi ngày chị An nhận được khoảng 50 đơn hàng, nên công việc tương đối bận rộn. Có thời điểm đông khách, chị thuê thợ phụ theo giờ để kịp thời gian trả hàng. “Quyết định học nghề Kỹ thuật nấu ăn đã giúp tôi chuyển đổi được công việc có thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng, cao hơn trước đây đi làm công ty. Tới đây, khi nguồn khách mở rộng, số đơn hàng tăng, tôi sẽ đăng ký thêm 2 cửa hàng kinh doanh online để phục vụ” – chị Hải An dự tính.

Hỗ trợ người lao động quay lại thị trường lao động

Những năm qua, công tác đào tạo nghề ngắn hạn dành cho lao động bảo hiểm thất nghiệp luôn được Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội chú trọng. Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thuộc Sở LĐTB&XH Hà Nội Vũ Thị Thanh Liễu cho biết, nhiều người lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp khi tham gia lớp đào tạo nghề ngắn hạn đã tìm được việc làm. Thậm chí, có nhiều người sau hoàn thành các khóa đào tạo nghề đã bắt nhịp với nền kinh tế số, mở cửa hàng kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Facebook Marketplace, Zalo, Grabfood, Gojek...

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức thi tốt nghiệp nghề Kỹ thuật nấu ăn cho các học viên hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: Trần Oanh.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức thi tốt nghiệp nghề Kỹ thuật nấu ăn cho các học viên hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: Trần Oanh.

Từ việc ứng dụng công nghệ để khởi nghiệp đã giúp nhiều lao động bảo hiểm thất nghiệp mở rộng được lượng khách hàng và tăng doanh thu. Đơn cử như chị Vũ Thị Nguyệt Minh là học viên hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, sau khi tốt nghiệp khóa học Kỹ thuật Nấu ăn tại Trung tâm tháng 9/2022 đã xây dựng kênh bán hàng online qua Facebook. Hiện tại trang cá nhân của chị có 3.700 người theo dõi, mỗi bài đăng có hàng trăm lượt tương tác. Chị Đỗ Thị Hải Yến là học viên hưởng bảo hiểm thất nghiệp, sau khi tốt nghiệp khóa học Kỹ thuật nấu ăn tại Trung tâm tháng 6/2023 đã xây dựng kênh bán hàng online qua Shopee thu hút nhiều khách hàng đăng ký đặt mua...

Phó Trưởng phòng Đào tạo nghề, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Mai Chung Chiển cho hay: Những lao động bảo hiểm thất nghiệp sau khi học nghề Chế biến món ăn, Pha chế đồ uống đã chuyển đổi được công việc, có người kinh doanh online các món ăn được học, có thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng, cao hơn tiền lương công việc đã làm trước đây.

Học viên Trần Thanh Hải chia sẻ: "Sau khi học lớp Kỹ thuật nấu ăn, tôi sẽ chế biến thêm một số món vào nhà hàng đồ ăn chay để phục vụ thực khách".
Học viên Trần Thanh Hải chia sẻ: "Sau khi học lớp Kỹ thuật nấu ăn, tôi sẽ chế biến thêm một số món vào nhà hàng đồ ăn chay để phục vụ thực khách".

Như vậy, lao động bảo hiểm thất nghiệp học nghề đã mang lại kết quả rõ rệt, giúp có việc làm phù hợp, ổn định cuộc sống, tuy nhiên số người đăng ký học nghề lại rất khiêm tốn. Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, từ năm 2010 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận 690.256 người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng mới chỉ có 27.457 người đăng ký tham gia hỗ trợ học nghề.

Để thu hút lao động bảo hiểm thất nghiệp đăng ký khóa học nghề ngắn hạn, hằng năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức Hội nghị thông tin tuyên truyền về công tác đào tạo nghề cho lao động bảo hiểm thất nghiệp để thu hút trường, công ty tham gia đào tạo nghề, qua đó giúp cho người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề đào tạo hơn.

Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tuyên truyền, hỗ trợ thông tin cho người lao động về chính sách đào tạo nghề miễn phí trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tại các buổi kết thúc khóa học nghề, Trung tâm mời các đơn vị có nhu cầu đến tuyển dụng học viên. Các lao động bảo hiểm thất nghiệp được tham gia phiên giao dịch việc làm để tìm kiếm công việc phù hợp, sớm quay trở lại thị trường lao động.