Lao động bất hợp pháp làm thu hẹp thị trường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng ở Hàn Quốc nhưng ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp xấp xỉ 40%.

Ngày 17/6, ông Tống Hải Nam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) cho biết, Bộ đang có những giải pháp để giảm thiểu tình trạng này.Lao động bất hợp pháp làm thu hẹp thị trường - Ảnh 1

Vì sao nhiều lao động Việt Nam đi lao động ở thị trường nước ngoài hết hạn hợp đồng nhưng vẫn ở lại cư trú bất hợp pháp, thưa ông?

- Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan. Rõ ràng những thị trường có tình trạng lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp có điều kiện làm việc tương đối tốt, mức thu nhập rất cao so với lao động cùng ngành nghề ở trong nước. Chẳng hạn, lao động Việt Nam lúc mới sang làm việc ở Hàn Quốc có thu nhập khoảng 1.000 USD/người/tháng, sau một năm làm việc, mức thu nhập sẽ tăng lên, thậm chí làm việc được 4 - 5 năm có thể lên tới 2.000 USD/người/tháng, cao hơn nhiều nếu về nước làm công việc tương đương... Đó là lý do vì sao đã hết hợp đồng lao động nhưng họ vẫn muốn ở lại làm việc để kiếm thêm thu nhập.

Một nguyên nhân khách quan là những nước có lao động Việt Nam làm việc và cư trú bất hợp pháp tuy có đưa ra quy định xử lý lao động bất hợp pháp và người sử dụng lao động không đúng quy định, nhưng các cơ quan chức năng không thực thi một cách gắt gao, nên vẫn còn cơ hội để cho những người sử dụng lao động bất hợp pháp, dẫn tới có lao động nước ngoài bất hợp pháp.

Tình trạng này có ảnh hưởng thế nào đến hình ảnh lao động Việt Nam ở thị trường quốc tế?

- Tình trạng này ảnh hưởng rất không tốt đến hình ảnh người lao động nói chung cũng như xuất khẩu lao động của Việt Nam nói riêng. Ví dụ, nếu lao động Việt Nam có nhiều ưu điểm, được đánh giá rất cao về kỹ năng, trình độ, thái độ hợp tác trong công việc, thì điểm trừ là hết hạn bỏ ra ngoài cư trú và làm việc bất hợp pháp. Thứ hai, là có ảnh hưởng đến cả chính sách của Việt Nam và thị trường bị thu hẹp. Ví dụ, đối với thị trường Hàn Quốc, từ năm 2004, chúng ta đã triển khai chương trình cấp phép việc làm theo luật cấp phép việc làm của Hàn Quốc. Lao động Việt Nam đi theo chương trình này, về cơ bản chi phí rất thấp, chỉ phải đóng 630 USD trước khi đi và 450 USD ký quỹ bảo hiểm khi sang Hàn Quốc. Nhưng vì tình trạng lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước cao dẫn đến năm 2012, phía Hàn Quốc tuyên bố dừng triển khai chương trình này. Sau một thời gian, chúng ta triển khai rất nhiều giải pháp khác nhau để làm giảm tỷ lệ này thì cuối năm 2013, phía Hàn Quốc mới ký một bản ghi nhớ đặc biệt chỉ cho phép một số nhóm đối tượng tham gia chương trình. Vừa rồi, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH ký bản ghi nhớ lần thứ hai với Bộ trưởng Bộ Lao động Hàn Quốc để triển khai cho 2 nhóm đối tượng: Nhóm đã tham gia kỳ kiểm tra năng lực tiếng Hàn nhưng chưa được chủ sử dụng tuyển chọn và nhóm những lao động hợp đồng về nước đúng hạn, đã kiểm tra năng lực tiếng Hàn nhưng chưa được chủ sử dụng tuyển chọn đưa đi.

Vậy, Bộ LĐTB&XH đã có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng  này?

- Chúng tôi đề ra nhiều giải pháp, từ làm tốt công tác thông tin truyền thông cho người lao động trước khi đi, vận động gia đình có người đi lao động ở nước ngoài động viên con em về nước đúng hạn, đến cả những biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Những giải pháp này đã cải thiện tình trạng trước đây lao động Việt Nam ở Nhật Bản bỏ ra ngoài cư trú bất hợp pháp rất cao thì nay giảm rất nhiều, chỉ còn 1 - 2%. Tuy nhiên, lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc vẫn chiếm tỷ lệ cao. Bởi vậy, vừa rồi, chúng tôi có báo cáo với Chính phủ làm việc với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể để làm tốt công tác truyền thông cho người đi lao động và gia đình có người đi lao động. Chúng tôi cũng cùng với các cơ quan chức năng để tìm đưa những lao động bất hợp pháp về nước và tiến hành xử phạt.

Kết quả của những giải pháp ấy là gì, thưa ông?

- Trước tình trạng tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước lên tới 59% vào cuối năm 2012, Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc tạm dừng ký gia hạn bản ghi nhớ vào ngày 28/8/2012, để triển khai các giải pháp giảm tỷ lệ. Sau một thời gian, ngày 31/12/2013, trước thời điểm Bộ LĐTB&XH Việt Nam và Bộ Lao động Hàn Quốc ký bản ghi nhớ đặc biệt, thì tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng nhưng ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc giảm xuống dưới 40%. Cụ thể là có những quý, tỷ lệ giảm xuống 31 - 32%, nhiều nhất là 36 - 38%.

Xin cảm ơn ông!