Ngày 29/8, tại TP Cần Thơ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy đưa người lao động các địa phương phía Nam đi làm việc ở nước ngoài thông qua Chương trình phi lợi nhuận”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Bá Hoan cho biết: Thời gian qua, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng. Thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt; thị phần của lao động Việt Nam tại một số nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… gia tăng đáng kể.
Trong đó việc thực hiện các chương trình như: EPS của Chính phủ Hàn Quốc, Chương trình IM Japan, Chương trình Osaka tại Nhật Bản; Chương trình Đài Loan; Chương trinh Hand in Hand tại Cộng hoà liên bang Đức,… do Trung tâm lao động ngoài nước thực hiện ngày càng đạt hiệu quả.
"Lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước; đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích luỹ và cải thiện đời sống người lao động và gia đình. Ngoài việc người lao động được nâng cao tay nghề, tích lũy kinh nghiệm làm việc và trình độ ngoại ngữ; lực lượng lao động khi về nước còn trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội. Đây là nhân tố quan trọng giúp lan tỏa tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động và cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và quốc tế", Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh.
Thực trạng người lao động của các tỉnh phía Nam đi làm việc ở nước ngoài
Ông Đặng Huy Hồng – Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước cho biết: Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Lao động ngoài nước đã đưa được trên 133.000 người lao động đi làm việc tại các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). Quá trình triển khai các Chương trình phi lợi nhuận tại các địa phương đã tạo được phong trào thu hút được sự quan tâm, tham gia của đông đảo người lao động.
Với mức chi phí tham gia các Chương trình thấp, cách thức triển khai công khai, minh bạch đã tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tiếp cận Chương trình, đặc biệt là người lao động có hoàn cảnh khó khăn, thuộc đối tượng chính sách, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội theo chính sách của Đảng và nhà nước.
Theo ông Đặng Huy Hồng, các tỉnh phía Nam có tiềm năng, nguồn lực lao động rất lớn, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, các cấp, các ngành ở địa phương. Hầu hết các tỉnh, thành phố đều có chính sách hỗ trợ đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Trung tâm Lao động ngoài nước, người lao động của các địa phương tham gia các Chương trình của Trung tâm còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài; kết quả không đồng đều giữa các địa phương và còn hạn chế so với khu vực khác. Cụ thể, số lượng người lao động của 23 tỉnh, thành phố phía Nam chỉ chiếm 10% số lượng lao động đưa đi của Trung tâm.
Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động là sinh viên, học viên các trường cao đẳng nghề của các tỉnh, thành phố phía Nam tham gia tuyển tuyển chọn lao động có tay nghề đi làm việc ở nước ngoài còn thấp. Cụ thể, từ năm 2018 đến nay qua 04 kỳ tuyển chọn thí điểm lao động tay nghề Hàn theo Chương trình EPS, Trung tâm không tuyển được sinh viên nào từ các trường dạy nghề phía Nam.
Chia sẻ về nguyên nhân, ông Đặng Huy Hồng cho rằng, người lao động khu vực phía Nam có tâm lý ngại thay đổi, ngại đi xa gia đình và còn nhiều nghi ngại khi đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, thông tin về các chương trình của Trung tâm chưa thực sự phổ biến và chưa được nhiều người lao động biết đến.
Một nguyên nhân khác, là do Trung tâm chưa có cơ sở đào tạo ngoại ngữ và giáo dục định hướng tại phía Nam nên người lao động khu vực này phải ra Hà Nội thi tuyển và học định hướng, việc phải đi lại nhiều lần để thi tuyển, học định hướng làm tăng chi phí dẫn đến người lao động e ngại khi tham gia.
Giải pháp thúc đẩy đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Để khắc phục những hạn chế trên, ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp qua phương tiện thông tin đại chúng, ấn phẩm để người lao động hiểu hơn về các chương trình làm việc tại nước ngoài.
Song song đó, xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ của trung ương và địa phương như: Hỗ trợ học nghề, ngoại ngữ phù hợp với nhu cầu của thị trường ngoài nước; hỗ trợ cho các đối tượng thuộc chính sách chung của Nhà nước và của riêng từng địa phương; xây dựng cơ chế gắn kết giữa các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cơ sở.
Tham gia tham luận tại hội thảo, đại diện Sở LĐ-TB&XH các tỉnh ĐBSCL đều đề xuất đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu Chương trình làm việc tại nước ngoài đến với người lao động; phổ biến các yêu cầu, điều kiện, quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động khi tham gia các Chương trình này.
Riêng đối với chương trình EPS, các địa phương mong muốn Trung tâm Lao động ngoài nước cần tranh thủ với đối tác Hàn Quốc bổ sung chỉ tiêu và dành nhiều chỉ tiêu hơn nữa cho địa phương, để thu hút người lao động tham gia Chương trình.
Kéo dài thời hạn kết quả đạt kỳ thi tiếng Hàn để người lao động giảm tốn kém chi phí phân bổ chỉ tiêu và thông báo sớm thời gian tổ chức kỳ thi tiếng Hàn cho địa phương nhằm chủ động hơn trong việc đào tạo, dự nguồn cũng như thu hút người lao động tham gia; tạo đầu mối thường xuyên tương tác với địa phương nhằm kịp thời triển khai những thông tin có liên quan và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc khi có phát sinh....