Lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng tại trạm BOT: Nhà đầu tư lừng khừng

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu giá BOT không chỉ giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm mà còn giúp củng cố niềm tin của người dân khi công tác thu phí được công khai, minh bạch.

Nhiều lần lùi tiến độ
Theo Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trước ngày 31/12/2019, tất cả các trạm thu phí BOT trên toàn quốc đều phải lắp đặt và vận hành hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ không dừng (ETC). Việc thực hiện được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2016 – 2019 áp dụng cho QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên theo hình thức hợp đồng xây dựng – sở hữu – kinh doanh (BOO) bao gồm 28 trạm. Nhà đầu tư thực hiện dự án là Liên danh Công ty CP Tasco và Công ty TNHH Thu phí tự động VETC. Tiến độ dự án theo Quyết định 07 của Thủ tướng Chính phủ, đến hết năm 2018, tất cả các trạm BOT thực hiện lắp đặt thu phí tự động giai đoạn 1 phải triển khai ở hai làn trung tâm. Giai đoạn 2, đến năm 2019 sẽ tiến hành thu phí không dừng ở tất cả các làn thuộc tất cả các trạm trên phạm vi toàn quốc.

Hệ thống thu phí tự động không dừng giúp minh bạch công tác thu phí tại các trạm BOT.   Ảnh: Quý Nguyễn

Trên thực tế, Chính phủ đã chấp thuận triển khai áp dụng công nghệ ETC tại 28 trạm thu giá BOT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên từ cuối năm 2015. Mục tiêu chính của chủ trương này là minh bạch hoạt động tại các dự án BOT, đồng thời đem lại lợi ích trực tiếp cho nhà đầu tư và người tham gia giao thông. Tuy nhiên, từ đó đến nay, chủ trương này đã nhiều lần phải gia hạn và lùi tiến độ do nhiều nhà đầu tư BOT chậm trễ triển khai.

Theo lý giải của những nhà đầu tư BOT, có nhiều nguyên nhân khiến họ không mặn mà với việc lắp đặt hệ thống ETC như lo ngại nguy cơ độc quyền khi chỉ có một đơn vị duy nhất cung cấp dịch vụ ETC là Công ty VETC và đơn giá dịch vụ mà VETC đưa ra quá cao. Đặc biệt, họ cảm thấy không thỏa mãn khi đã bỏ ra vốn đầu tư rất lớn vào dự án nhưng khi đến giai đoạn khai thác lại có bên thứ ba xuất hiện (bên lắp đặt hệ thống ETC – PV) thay thế quản lý thu phí của dự án.

Chính sự lừng khừng của một số nhà đầu tư đã khiến lãnh đạo Bộ GTVT phải đưa ra biện pháp cứng rắn. Trong cuộc họp kiểm điểm tiến độ dự án thu giá không dừng trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên được tổ chức vào ngày 29/11, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để dự án triển khai đúng tiến độ. Trường hợp nhà đầu tư BOT không triển khai sẽ dừng thu phí. “Đây là biện pháp mạnh để xã hội thấy chúng ta làm nghiêm minh, tạo thuận lợi cho người dân” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Áp dụng công nghệ hiện đại

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, ngoài tiết kiệm chi phí, việc lắp đặt hệ thống ETC còn giúp minh bạch trong công tác thu phí tại các trạm BOT khi có tới 6 thành phần cùng có thể kiểm soát việc thu phí gồm: Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Công an, chủ đầu tư dự án BOT, nhà cung cấp dịch vụ ETC và các chủ phương tiện. Theo ông Nguyễn Văn Huyện, bản thân người dân lâu nay muốn minh bạch tại các dự án BOT, do đó nhà đầu tư ở những dự án này phải ủng hộ việc sử dụng công nghệ hiện đại trong công tác thu phí tại trạm. “Muốn minh bạch thì phải dùng công nghệ chứ không dùng mắt thường để giám sát được” - ông Huyện nói.

Nhờ “thấm thía” câu chuyện minh bạch ở các trạm thu phí BOT, đến nay tất cả nhà đầu tư dự án BOT đã đồng thuận trong việc lắp đặt hệ thống ETC. Ông Huyện cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, toàn bộ 27 trạm thu phí BOT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đều đã ký hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ lắp đặt hệ thống ETC (riêng trạm tuyến tránh TP Thanh Hóa đang tạm dừng vì thời gian thu phí sắp hết). Trong đó có 16 trạm hoàn thành chạy thương mại, 10 trạm đang tiến hành lắp đặt, còn 2 trạm mới ký hợp đồng sang tháng 2/2018 sẽ lắp đặt xong.

Trước thắc mắc về việc tại sao chỉ có một đơn vị cung cấp dịch vụ lắp đặt hệ thống ETC là Công ty VETC, ông Nguyễn Văn Huyện cho hay, khi Chính phủ đã chấp thuận triển khai áp dụng công nghệ ETC tại 28 trạm thu giá BOT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, Bộ GTVT đã đăng tin mời tất cả các nhà đầu tư có năng lực và nguyện vọng tham gia nhưng đến tận một năm sau không có đơn vị nào tham gia đấu thầu. Do đó, Chính phủ đã đồng ý chọn VETC. “Đến bây giờ Bộ GTVT vẫn đang tiếp tục mời thầu. Bất kỳ nhà cung cấp nào đủ năng lực đều có thể đăng ký tham gia nên không có chuyện độc quyền” - ông Huyện nói.
Khi các trạm BOT vận hành hệ thống ETC, việc thu phí sẽ thực hiện qua thẻ điện thoại. Do đó, ngay cả những trường hợp mấy tháng hoặc cả năm mới đi qua trạm một vài lần cũng có thể nộp phí qua hệ thống ETC bình thường. Dự kiến đi một năm mấy lần thì nộp bằng ấy tiền. Kể cả sáng hôm sau đi đột xuất thì tối hôm trước nộp tiền vẫn được.
Ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam
Theo tính toán, nếu tất cả các trạm thu phí BOT trên cả nước hiện nay đều lắp đặt hệ thống ETC, mỗi năm sẽ tiết kiệm được khoảng 70 tỷ đồng tiền giấy để in vé, giảm được 233 tỷ đồng chi phí nhiên liệu, tiết kiệm thời gian tham gia giao thông tương đương 2.800 tỷ đồng và chi phí quản lý giao thông khoảng 360 tỷ đồng.