Đóng gói xoài xuất khẩu tại Công ty TNHH Chế biến nông sản Cát Tường. Ảnh: Anh Phương |
Doanh nghiệp hưởng lợi
Theo cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam phải xóa bỏ các hàng rào phi thuế quan như: Giấy phép nhập khẩu, hạn chế định lượng, giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng theo lộ trình. Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh cho biết, đơn cử như mặt hàng nông sản, hiện nay, các DN xuất khẩu mặt hàng này chỉ phải làm thủ tục xuất, nhập khẩu tại cơ quan hải quan, không phải xin giấy phép xuất, nhập khẩu, song phải tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định hiện hành về quản lý chất lượng, VSATTP và kiểm dịch động thực vật.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã xây dựng, ban hành được 44 Quy chuẩn Việt Nam gồm các đối tượng: Sản phẩm, hàng hóa nhóm 2; kỹ thuật điện; khoáng sản; xăng dầu; dệt may; khăn giấy và giấy vệ sinh. Bộ cũng đã xây dựng Lộ trình hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành Công Thương đến năm 2025. |
Đáng chú ý, trước xu hướng các nước nhập khẩu ngày càng tăng cường các rào cản thương mại và kỹ thuật, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với Bộ NN&PTNT chủ động nắm bắt tình hình, áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch của các nước nhập khẩu để kịp thời thông tin cho các đơn vị liên quan và các DN. Đồng thời, đấu tranh có hiệu quả đối với các rào cản kỹ thuật, thương mại bất hợp lý trong các cuộc họp song phương, đa phương, phiên họp của các Ủy ban liên Chính phủ, Diễn đàn khu vực.
Đến nay, Việt Nam đã đạt được kết quả đáng ghi nhận trong việc mở cửa thị trường. Theo đó, Việt Nam đã kiện và đã thắng kiện Mỹ tại WTO trong vụ áp thuế chống bán phá giá bất hợp lý đối với tôm xuất khẩu; hoàn tất việc thâm nhập thị trường mới cho một số trái cây như: Thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa, xoài vào Mỹ; vải, xoài, thanh long, nhãn vào Australia; sản phẩm sữa, măng cụt vào Trung Quốc; thịt gà chế biến vào Nhật Bản; xoài, thanh long vào Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand...
Đồng bộ nhiều giải pháp
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay, trong giai đoạn 2019 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, Bộ Công Thương tập trung xây dựng các biện pháp kỹ thuật để quản lý chất lượng đối với các sản phẩm, hàng hóa. Theo dõi sát, phát hiện kịp thời hiện tượng gia tăng nhập khẩu đột biến nông sản, thực phẩm để nghiên cứu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (thuế chống bán phá giá, hàng rào kỹ thuật) như các nước hiện đang áp dụng (về kiểm dịch, chất lượng, VSATTP) với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, góp phần bảo vệ chính đáng sản xuất trong nước.
Đối với xuất khẩu sang các nước có chung biên giới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là khi một số nông sản xuất khẩu vào chính vụ.
Nhiều chuyên gia khuyến nghị, để bảo vệ hàng hóa xuất khẩu, phải quản lý chặt chẽ hoạt động nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, vận chuyển qua biên giới, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại. Cùng với đó, siết chặt kiểm tra xuất xứ hàng hóa, kiểm tra chất lượng, kiểm dịch đối với sản phẩm nông sản, thực phẩm xuất nhập khẩu. Đối với các DN cần chủ động phòng tránh, ứng phó với các biện pháp có tính bảo hộ của nước ngoài, đảm bảo tuân thủ cam kết và chuẩn mực quốc tế. Về phía Bộ Công Thương cần tích cực sử dụng các kênh đối thoại song phương, đa phương để xử lý vụ việc bất hợp lý đối với hàng hóa xuất khẩu.