Lập hội đồng thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 5

Văn Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ vừa Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hà Nội Tuyến số 5, Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc.

Phối cảnh Dự án Đường sắt đô thị tuyến số 5. Ảnh: A.M
Theo Quyết định, Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ủy viên của Hội đồng gồm đại diện Lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải; Tài chính; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quốc phòng; Công an; Khoa học và Công nghệ; Ngoại giao; Tư pháp; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội.

Quyết định nêu rõ, trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng, các ủy viên của Hội đồng, cơ quan thường trực của Hội đồng và Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành được thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 131/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thuê tư vấn nước ngoài hoặc liên danh tư vấn trong nước và tư vấn nước ngoài để thẩm tra Dự án theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 131/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ.

Trước đó, UBND TP đã trình Chính phủ Báo cáo về việc thẩm định nghiên cứu tiền khả thi Dự án metro số 5, tuyến Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc, tổng mức đầu tư hơn 65.000 tỷ đồng.

Điểm đầu là nút giao cắt Văn Cao - Hoàng Hoa Thám, điểm cuối là xã Yên Bình, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Dự án trên thực tế đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 2011, phân kỳ làm 2 giai đoạn, 2016 đến 2020 và 2020 đến 2030. Tuy nhiên, từ lúc lập quy hoạch đến nay đã hơn 4 năm nên đầu tư toàn tuyến trong giai đoạn 2021 đến 2025 là phù hợp.

Theo Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, đoạn từ Liễu Giai đến Trần Duy Hưng chạy ngầm giữa đường nên tiết kiệm chi phí, thời gian giải phóng mặt bằng. Phần đi nổi trên đại lộ Thăng Long cũng nằm ở giữa dải phân cách cũng ít phải làm cầu, hầm và không ảnh hưởng đến các công trình liên quan nên sẽ thi công nhanh.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 nêu mạng lưới đường sắt đô thị ở Hà Nội gồm 8 tuyến, tổng chiều dài 318 km.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần