Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lấp khoảng trống trong bảo tồn di sản

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với hệ thống di tích, di sản văn hóa dày đặc trải dài khắp cả nước, công tác bảo tồn, tôn tạo cần nguồn lực lớn, nhưng ngân sách Nhà nước chưa thể đáp ứng.

Do đó, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, một trong những vấn đề được đại biểu và cử tri quan tâm là đề xuất lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 3.600 di tích quốc gia, trên 11.000 di tích cấp tỉnh, khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể… Đây là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển công nghiệp văn hóa, là cơ sở để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Mặc dù quan điểm của Đảng đã nhấn mạnh: “Văn hóa phải đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội” song so với nhu cầu phát triển, ngân sách đầu tư cho văn hóa còn nhiều hạn chế. Cụ thể là thời gian qua, công tác bảo tồn di sản văn hóa luôn được chú trọng, song nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo tồn, tôn tạo di tích, di sản còn rất thấp. Nhiều di tích quốc gia hư hỏng, nhưng chưa được cấp kinh phí tu bổ, một số địa phương còn tâm lý trông chờ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách T.Ư…

Trong bối cảnh đó, việc có một Quỹ bảo tồn di sản văn hóa để huy động nguồn lực ngoài ngân sách tham gia bảo tồn, phát huy các giá trị di sản là cần thiết. Đề xuất này đã được đưa vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 đang diễn ra. Nguồn tài chính của Quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng, cho của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác ngoài ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Thực tế, việc thành lập một Quỹ bảo tồn di sản văn hóa không mới, mà đã có tiền lệ khi năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 84/2022/NĐ-CP về việc thành lập và quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế theo mô hình Chính phủ thành lập, địa phương quản lý. Ra mắt từ tháng 6/2023 đến nay, Quỹ bảo tồn di sản Huế đã kêu gọi được sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, góp thêm nguồn kinh phí đáng kể đầu tư, tôn tạo kho tàng di sản văn hóa của vùng đất Cố đô.

Thành công từ mô hình ở Huế cũng gợi mở hướng đi cho nhiều địa phương áp dụng. Vấn đề quan trọng là công tác quản lý, sử dụng để bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích, tránh bị trục lợi, từ đó tạo dựng niềm tin của các tập thể, cá nhân, tổ chức tham gia xã hội hóa gây dựng Quỹ bảo tồn di sản. Các chuyên gia cho rằng, cần có những quy định rõ về nguồn thu, nhiệm vụ chi và xác định các nhiệm vụ của Quỹ thực sự cấp thiết trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Cùng với đó, cần giải quyết tốt bài toán cơ chế, có ưu đãi về thuế, hợp tác công tư… để DN, cá nhân có quyền lợi khi tham gia xây dựng Quỹ.

Bởi vậy, nếu Quỹ bảo tồn di sản văn hóa được Luật hóa một cách cụ thể, rõ ràng sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý, lấp những khoảng trống trong công tác bảo tồn di sản văn hóa hiện nay.