Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lập lại trật tự tại chợ Long Biên sau biến cố “bảo kê”

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện tượng “bảo kê” tại chợ Long Biên với những trường hợp nào, diễn ra bao lâu và các đối tượng gây ra bị xử lý ra sao, cơ quan công an đang tích cực làm rõ.

Nhưng, điều rõ nét nhất được nhìn thấy là các tiểu thương trong chợ Long Biên đã ổn định hoạt động buôn bán trở lại, đặc biệt là trong những ngày cận Tết Kỷ Hợi năm 2019.
Ngày 7/1, có mặt tại chợ Long Biên có thể cảm nhận rõ không khí Tết đang đến rất gần. Tiểu thương trong chợ đang bận rộn với công việc của những ngày cuối năm. Đội ngũ bốc xếp (tiểu thương tự thuê) ai vào việc nấy nhịp nhàng lên xuống hàng hóa. Xe tải to, nhỏ được điều phối ra, vào đông như mắc cửi nhưng đều tuân theo trật tự nhất định. Dường như, họ đã quên đi biến cố về hiện tượng bị chèn ép, nộp tiền “bảo kê” diễn ra tại đây không lâu.
 Hoạt động buôn bán tại chợ Long Biên. Ảnh: Tuấn Kiệt
Dù khẳng định không chụp ảnh, ghi hình nhưng các tiểu thương rất e dè và yêu cầu không nêu tên khi khơi lại câu chuyện biến cố “bảo kê”. Họ đều cho rằng, việc này có thể đã diễn ra với một số tiểu thương nào đó và mình không nằm trong những trường hợp này. Nhưng ánh mắt của họ ánh lên niềm vui khi được hỏi về tình hình kinh doanh hiện tại. “Sau biến cố, tình hình ANTT cũng như minh bạch các khoản phí được thực hiện nghiêm. Bà con tiểu thương cũng được nhắc nhở thường xuyên và tự giác hơn trong việc sắp xếp, bày bán hàng hoá. Nhìn chung chợ Long Biên có nền nếp, trật tự hơn trước” – Một tiểu thương bán hoa quả tại đây nhận xét.

Hỏi về cảm nhận khi Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng "kính") cùng 4 đồng phạm đang bị cơ quan công an tạm giam để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản tại chợ Long Biên, nhiều tiểu thương tỏ thái độ yên tâm hơn trong hoạt động buôn bán. Họ cho biết, công lý đã được thực thi và dù Hưng “kính” cùng đồng phạm phải chịu bản án nào thì đây cũng là hành động nghiêm khắc của chính quyền nhằm răn đe những đối tượng nhăm nhe có hành vi tương tự. Nói một cách khác, bắt Hưng “kính” đã góp phần tạo được môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch hơn tại khu vực chợ Long Biên.

Ngày 30/9/2018, Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” để điều tra hiện tượng “bảo kê” tại chợ Long Biên. Tháng 12/2018, lực lượng công an đã bắt tạm giam 3 đối tượng làm việc tại tổ bốc xếp hàng hóa chợ Long Biên về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Ngày 4/1, lực lượng công an tiếp tục bắt tạm giam 2 đối tượng cùng làm việc tại tổ bốc xếp. Trong đó có Hưng “kính”, đối tượng tình nghi cầm đầu nhóm có hành vi “bảo kê” tại chợ Long Biên. Bước đầu, cơ quan công an có đủ căn cứ xác định Hưng “kính” và đồng bọn đã tổ chức cưỡng đoạt 17 triệu đồng của một số tiểu thương buôn bán tại chợ Long Biên.
Phó Trưởng Ban quản lý chợ Long Biên Hoàng Đình Thanh cho biết, hiện tại tình hình đảm bảo ANTT, PCCC trong chợ được duy trì ổn định. Tổ bốc xếp sau khi đình chỉ hoạt động đang được phân chia công việc, như trông xe, hướng dẫn xe vào chợ, dọn dẹp vệ sinh… Hiện tại, các tiểu thương vẫn tự chủ động thuê người liên quan đến công việc bốc xếp hàng hoá. Khu vực bên ngoài chợ, chính quyền cơ sở duy trì việc tăng cường lực lượng giữ ANTT và điều tiết giao thông. Theo đó, lực lượng CSGT vẫn duy trì cắm chốt, điều tiết xe vận tải ra vào chợ. Công an phường Phúc Xá tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát theo quy chế phối hợp cùng Ban quản lý chợ. Đặc biệt, tổ công tác quận Ba Đình vẫn thường xuyên xuống giám sát, nắm bắt tình hình buôn bán tại chợ Long Biên. Ngoài ra, các phòng, ban chức năng quận Ba Đình đã phối hợp cùng ban quản lý chợ Long Biên hoàn thiện thêm một số quy chế, quy định, văn bản nhằm đảm bảo ANTT và quản lý thu phí dịch vụ minh bạch. Nhìn chung, cán bộ, công nhân viên thuộc Ban quản lý chợ Long Biên đang ổn định tâm lý, thực hiện công việc được giao theo đúng quy định của pháp luật.