Tinh thần ấy là sự yêu thương, gắn bó, hòa hợp tự nhiên; là sự kiên cường bất khuất; là ý chí độc lập, tự do; là khát vọng và nỗ lực phấn đấu cho hạnh phúc của thế hệ mai sau. Chưa phải là điều kiện vật chất, chính tinh thần ấy mới làm nên sức sống mãnh liệt, sức mạnh vô song để dân tộc có thể băng vượt mọi thử thách gian nan của lịch sử, tạo ra những bước phát triển kỳ diệu, đóng góp cho nhân loại những tinh hoa văn hóa.
Tiếp thu, sáng tạo những giá trị nhân văn
Cho đến năm 1945, người Việt hầu hết mù chữ, vì không được đi học ở trường, không đọc được chữ Hán, chữ Pháp và cả chữ Việt. Không đọc được chữ nhưng chữ nghĩa được truyền miệng. Quê tôi ở Can Lộc, Hà Tĩnh – đã từng được nghe các bà dệt cửi “nhắc vở” cho các nho sinh học sách thánh hiền. Chữ nghĩa nó thấm sâu, nhớ lâu, được truyền dạy đời này qua đời khác.
Mẹ tôi thường cấm không cho giẫm lên những tờ giấy có chữ. Tờ giấy đã vậy, người có học càng được kính trọng: Nghèo chữ quá nên trọng người hay chữ/ Bóp bụng nuôi con thành ông trạng, ông nghè...
Trong cách suy nghĩ của nhiều người, những tư tưởng, những thông điệp cha ông ta muốn gửi tới mai sau nằm trong thư tịch, sách vở (đương nhiên) nhưng nằm hầu hết trong các công trình kiến trúc, hội họa, tập quán... dân gian, đặc biệt trong văn học truyền miệng vì đó là thứ ít thất lạc và không kẻ thù nào, thời gian nào hủy diệt được.
Truyền thuyết Âu Cơ đẻ trăm trứng để cho người Việt có khái niệm “đồng bào”, có sự cố kết đặc biệt, có đoàn kết và tình yêu thương “máu chảy ruột mềm”, “lá lành đùm lá rách”. Thánh Gióng cho ta biết khi đất nước lâm nguy, có thể tìm thấy những anh hùng, những người tài giỏi ở nơi thôn dã; nuôi dưỡng người tài là trách nhiệm của cả làng, cả nước.
Chúng ta cũng đều biết rằng, Việt Nam có những nhà triết học, nhà tư tưởng lớn mang tầm cỡ thế giới, như Mâu Tử, Khương Tăng Hội đầu công nguyên; Thiền sư Vạn Hạnh, Thiền sư Mãn Giác... thế kỷ X, XI; Phật Hoàng Trần Nhân Tông thế kỷ XIII, Nguyễn Trãi thế kỷ XV, Nguyễn Bỉnh Khiêm thế kỷ XVI, Nguyễn Du thế kỷ XVIII, Hồ Chí Minh thế kỷ XX.
Không dân tộc nào trên thế giới này lại không có một nền văn minh, văn hóa; chẳng qua vì người ta chưa biết đến mà thôi. Việt Nam trong đêm dài nô lệ hết của Phương Bắc lại của Phương Tây. Và phải sau ngót 20 năm bị cấm vận, chỉ khi mở cửa hội nhập ít lâu, rất nhiều giá trị Việt Nam được thế giới biết đến: Việt Nam, đất nước của những kỳ quan, của một xứ sở đáng sống.
Văn học, nhất là văn học cổ điển được dịch ra thế giới và đứng ở tầm cao, thể hiện những yếu tố tiên phong, nhân bản sâu sắc. Nem Việt, Phở Việt, Áo dài Việt, sự cởi mở Việt Nam... thành những giá trị nhân loại.
Có hay không một tinh thần Việt, những tinh hoa Việt? Câu trả lời, chắc chắn là có. Và chắc chắn có những giá trị mà nhân loại cần hướng tới.
Và để chúng ta tự hào, gìn giữ, bồi đắp cho những giá trị đó. Chúng ta cần phải khẳng định thêm một điều nữa, trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, chúng ta có tiếp thu, vay mượn những khái niệm, những tư tưởng của nước ngoài. Song, khi chúng ta đã tiếp nhận, cải biến và thuần hóa nó, thì đã có sự khác biệt, đã trở thành những giá trị thuần Việt.
Kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc
Từ thế kỷ XV, Nguyễn Trãi đã khẳng định trong Bình Ngô đại cáo: Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu. Các nhà nghiên cứu Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Hồng Phong... đến những Nghị quyết của Đảng đều đã tổng kết nhiều nét cốt lõi nhất của hệ giá trị Việt mà cơ bản là lòng yêu nước, lao động cần cù sáng tạo, tình yêu thương và sự khoan dung.
Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với những quan điểm đó, nhưng để làm rõ cội nguồn, thấy được sự khác biệt Việt Nam so với thế giới, chỉ xin nêu một đặc điểm: Sự cố kết gia đình, lấy gia đình làm tế bào của xã hội, lấy gia đình làm phương châm ứng xử và nền tảng văn hóa.
Việt Nam từ lâu đã là một đất nước cộng cư của nhiều tộc người, đến từ nhiều phương trời khác nhau. Có một thực tế rất rõ ràng, Việt Nam có 54 dân tộc nhưng rất hòa thuận.
GS Trần Văn Giàu trong cuốn sách “Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam” do NXB Giáo dục xuất bản năm 1980 viết: “Trước khi văn hóa Hán và Nho giáo vào xứ ta thì nước ta khi ấy có tên gọi là Văn Lang - Âu Lạc đã có một nền văn hóa bản địa độc đáo và một nền đạo đức của một cộng đồng Nhân dân được tập hợp từ lâu thành nước tự chủ”.
Người bản địa không chỉ thương mình mà còn thương người, “thương người như thể thương thân”, cưu mang những kẻ hoạn nạn (những tên làng Nhượng Bạn, Minh Hương...; những đền thờ như Đền Cờn thờ hoàng hậu, công chúa nhà Tống, đã nói lên điều đó). Chính vì tình thương bao la này đã cảm hóa, đồng hóa được những cư dân mới.
Những cư dân mới lại biết cưu mang người mới nữa, tạo thành một truyền thống “Bầu ơi, thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. “Giàn” đây là làng xã, là Tổ quốc Việt Nam. Một làng xã, Tổ quốc ơn nghĩa và đáng sống như vậy, trong đó sâu xa là văn hóa của tình thương, cội nguồn của tinh thần đoàn kết, nhân ái.
Vì gia đình, vì con cháu muôn đời thế hệ mai sau mà ý chí bảo vệ độc lập, mà tình yêu Tổ quốc, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đối với người Việt lớn gấp bội lần và mục tiêu này luôn kêu gọi được sự đoàn kết toàn dân. Nó lý giải sức mạnh vô song của dân tộc trước mọi kẻ thù xâm lược. Nó cũng là nguyên nhân tạo nên sự lao động cần cù, tính kiên cường chịu đựng.
Xây dựng Hệ giá trị Việt
Hệ giá trị (Value System, Values Code...) của một quốc gia, một dân tộc, hiểu đơn giản nó vừa là kết quả tích lũy được trong tiến trình lịch sử của quốc gia ấy, dân tộc ấy; vừa thể hiện khát vọng vươn tới, là tiêu chí, nhiệm vụ của giai đoạn lịch sử mới.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi ý những giá trị cấu thành lên Hệ giá trị quốc gia. Ngày 29/11/2022, tại Hà Nội có Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” đã có nhiều ý kiến đáng chú ý.
Trong những giá trị truyền thống, cùng với sự thân thiện gia đình, người Việt có hai nét ưu trội khác: Óc thực tế và sự uyển chuyển của tính cách nước (ở bầu thì tròn, ở ống thì dài). Đây là phát hiện của GS Cao Xuân Huy qua tổng kết của cha ông. Đây cũng là nét rất đáng chú ý. Giữa “cải tạo hoàn cảnh” và “phù hợp với hoàn cảnh”, người Việt từ ngàn xưa đã chọn cái dễ làm hơn, cái thực tế hơn, và vì thế nó khoa học hơn: “Phù hợp với hoàn cảnh”!
Khát vọng của dân tộc ta, đất nước ta, được ghi trong Nghị quyết của Đảng, ý Đảng lòng dân, là đưa Việt Nam thành một quốc gia phát triển, sánh vai với cường quốc năm châu vào giữa thế kỷ này, vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước. Khát vọng ấy trở thành niềm tin trong mỗi con người và có ý nghĩa, sức mạnh vô cùng lớn lao. Tin ở mình. Tin ở dân tộc. Tin ở Đảng. Tin ở tương lai.
Niềm tin là một giá trị trong Hệ Giá trị Việt.
Mùa xuân mang lấp lánh Niềm tin, hát lên và bước tiếp!