Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lập trường của Nga với khủng hoảng tại Ukraine

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lập trường chính thức của Nga từ đầu tới giờ là Nga không tham gia vào cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine...

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trở thành một bên chính thức trong cuộc đàm phán về một thỏa thuận hòa bình mới cho miền Đông Ukraine. 
Moscow không thừa nhận lính Nga đang có mặt ở vùng chiến sự trên đất Ukraine.
Moscow không thừa nhận lính Nga đang có mặt ở vùng chiến sự trên đất Ukraine.
Điều này đánh dấu một sự chuyển biến lớn so với hồi tháng 9 năm ngoái, khi Moscow buộc Ukraine phải chấp nhận cùng ngồi vào bàn đàm phán với lực lượng nổi dậy thân Nga ở Donetsk và Luhansk.

Tuy vậy, theo hãng tin Bloomberg, Moscow có thể vẫn sẽ không thừa nhận lính Nga đang có mặt ở vùng chiến sự trên đất Ukraine, và Kiev cũng sẽ không chính thức công bố tình trạng chiến tranh. 

Bởi, đó chính là giới hạn cuối cùng của cuộc khủng hoảng đang leo thang. Nhưng giới hạn này có thể bị vượt qua, nếu như Mỹ quyết định viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine.

Ukraine từ lâu khẳng định nước này đang chiến đấu chống quân Nga chứ không phải các nhóm nổi dậy địa phương. “Liệu thế giới cần bao nhiêu chứng cứ nữa đề nhận ra sự thật hiển nhiên này. Thiết bị quân sự nước ngoài, lính đánh thuê, huấn luyện viên quân sự người Nga, và quân thường trực Nga đang ở trên đất Ukraine”, trang web chính thức của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko dẫn lời ông phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich diễn ra vào cuối tuần vừa rồi. 

Trong bài phát biểu của mình, ông Poroshenko đưa ra hộ chiếu Nga và thẻ quân nhân Nga mà ông nói là thuộc về những chiến binh chiến đấu ở miền Đông Ukraine.

Tuy vậy, nhà lãnh đạo Ukraine vẫn tỏ ra kiềm chế, không công bố tình trạng chiến tranh với Nga.

Cho dù, tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Ukraine từng tuyên bố sẽ làm vậy nếu thỏa thuận ngừng bắn đạt được hồi tháng 9 ở Minsk, Belarus bị phá vỡ. “Nếu có sự rút lui từ tiến trình hòa bình và sự gây hấn lớn bằng quân sự vẫn tiếp diễn, tôi thề là tình trạng chiến tranh sẽ được công bố ngay lập tức”.

Sau đó, vào cuối tháng 1 vừa qua, quân nổi dậy tại Ukraine đã phá thỏa thuận ngừng bắn và bắt đầu một cuộc phản công lớn, nhưng ông Poroshenko không tuyên bố tình trạng chiến tranh như đã nói. 

Thay vào đó, ông nhắc lại lời đe dọa trong một chương trình phỏng vấn của tờ El Pais của Tây Ban Nha. Trong bài phỏng vấn được xuất bản hôm 5/2, Tổng thống Ukraine nói một cách mơ hồ hơn: Kiev sẽ công bố tình trạng chiến tranh nếu cuộc khủng hoảng ở miền Đông leo thang.

Poroshenko giải thích, ông còn chưa muốn có động thái quyết đoán vì ông không muốn đặt ra nguy cơ gây trở ngại đối với các quyền tự do dân sự của người Ukraine hoặc khiến các nhà đầu tư nước ngoài hoảng sợ. “Liệu ai còn muốn tới một quốc gia trong tình trạng chiến tranh?”, ông Poroshenko nói.

Tuy vậy, theo Bloomberg, lập trường chính thức của Nga từ đầu tới giờ là Nga không tham gia vào cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine. 

Bộ Ngoại giao Nga đã yêu cầu xem bản sao của những quyển hộ chiếu mà ông Poroshenko đưa ra ở Munich, nói rằng những quyển hộ chiếu như vậy “có thể dễ dàng mua được”.

Cho dù, cũng đã có những thông tin về việc có người Nga tham gia vào cuộc chiến ở khu vực miền Đông của quốc gia láng giềng. 

Chẳng hạn, một số tổ chức báo chí độc lập của Nga đã đưa ra những chứng cứ về lính Nga thiệt mạng ở miền Đông Ukraine. Cách đây ít hôm, nhật báo RBK đăng tải một bài điều tra về những binh sỹ Nga được cử đi để tăng cường lực lượng cho quân nổi dậy. Đây là những binh sỹ đến từ một số ít những đơn vị tinh nhuệ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế của Nga. 

Vậy tại sao cả hai bên lại đang cùng tỏ ra rụt rè? Nếu đang có chiến tranh, tại sao họ không tuyên bố chính thức?

Thực tế là, Poroshenko hiểu rõ lực lượng quân đội không được đào tạo bài bản và sở hữu vũ khí yếu kém của Ukraine khó lòng đọ nổi với sức mạnh quân sự của Nga. Nếu ông công bố tình trạng chiến tranh, thì lời tuyên bố đó có thể “mời” Nga thẳng thừng đưa quân vào Ukraine như đã làm ở Georgia vào năm 2008. 

Tổng thống Ukraine sẽ không ngại thể hiện mình là ranh giới phòng vệ cuối cùng của phương Tây trước Putin, nếu như điều đó giúp ông có được sự viện trợ quốc tế, nhưng ông cũng không muốn đặt đất nước vào nguy cơ hứng chịu một cuộc tấn công tổng lực của Nga.

Trong khi đó, thượng nghị sỹ Mỹ John McCain có vẻ nghĩ rằng Putin sẽ không công khai tấn công Ukraine vì sợ điều đó sẽ xói mòn sự ủng hộ của dân chúng Nga. 

“Nếu chúng ta giúp Ukraine tăng tổn thất quân sự đối với lực lượng của Nga xâm nhập vào Ukraine, liệu Putin có thể duy trì bao lâu cuộc chiến mà ông ta nói với người dân của mình là không hề có?”, ông McCain phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich.

Tuy vậy, Putin có thể sẽ cảm thấy dễ "xử lý" hơn, nếu Mỹ quyết định cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine. 

Trong trường hợp đó, rốt cục ông chủ điện Kremlin có thể nói với người dân Nga về chiến tranh, lý giải rằng ông đang chống lại sự can thiệp của Mỹ chứ không phải một Ukraine đang suy sụp về kinh tế và có mối quan hệ văn hóa gần gũi với Nga. 

Trong một cuộc gặp với sinh viên hôm 26/1, ông Putin miêu tả lực lượng vũ trang của Ukraine như một “lực lượng ngoại quốc của NATO”. Chừng nào phương Tây còn chưa cấp vũ khí cho Ukraine, lập luận này của ông Putin còn mong manh. 

Nhưng một khi việc viện trợ vũ khí cho Kiev được quyết định, Putin sẽ đúng.

Theo Bloomberg, những “lời nói dối” của Putin không nhằm che đậy cuộc chiến ở miền Đông Ukraine khỏi con mắt người Nga. Người Nga biết điều gì đang diễn ra, vì thi thể các binh sỹ thiệt mạng là không thể che giấu. 

Những “lời nói dối” đó là một thông điệp gửi đến phương Tây, một tín hiệu rằng Nga chưa thực sự quyết tâm. Đó là một sự đe dọa ngầm, một lời mời thỏa hiệp, và một đòn bẩy để giúp đưa lính Nga vào một lực lượng gìn giữ hòa bình để ngăn giữa quân nổi dậy và Kiev.

Các nhà lãnh đạo phương Tây có thể không thừa nhận, nhưng dường như có một thực tế là họ muốn ông Putin tiếp tục “nói dối” về lực lượng Nga trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Bởi, một khi Putin đã ngừng “nói dối”, thì giới hạn sẽ bị phá vỡ và không thể lặp lại. 

Và khi đó, cuộc khủng hoảng sẽ leo thang cho tới khi nào Nga - bên mạnh hơn - giành một chiến thắng quân sự mang tính quyết định, hoặc cho tới khi phương Tây từ bỏ sự thận trọng của mình và đưa quân vào Ukraine. 

Cả hai kịch bản này, đều sẽ là thảm họa cho Ukraine.