Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lát đá hè phố đi bộ quanh Lăng Bác: Kinh nghiệm hay cần nhân rộng

Vân Hằng – Vũ Cúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào những ngày cuối tuần, hàng ngàn người dân và du khách đến tham quan, tản bộ trên những con phố đi bộ quanh khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh như phố Ông Ích Khiêm, Chùa Một Cột, Hùng Vương đều trầm trồ về vẻ sạch, đẹp, văn minh.

Trong đó, những viên đá tự nhiên lát đường, vỉa hè đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật kết hợp hàng cây xanh đã góp phần tạo cảnh quan, kiến trúc nơi đây.
Hài hòa chất lượng, thẩm mỹ

Đại tá Phạm Văn Thiện – Chánh Văn phòng Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết, các tuyến đường mới được lát đá tự nhiên này thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng tuyến phố đi bộ khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư tại văn bản số 2165/TTg-KTN ngày 29/11/2015. Trong đó, giai đoạn 1 của dự án được thực hiện trong 4 tháng, từ ngày 1/8 – 30/11/2016, với tổng diện tích gần 7.000m2; giai đoạn 2 thi công từ ngày 15/8 – 30/11/2017, với diện tích 2.350m2. Gồm phố Ông Ích Khiêm (từ đường Lê Hồng Phong đến phía sau Lăng Bác); phố Chùa Một Cột (từ phố Bà Huyện Thanh Quan đến trước cửa Bảo tàng Hồ Chí Minh); vỉa hè đường Hùng Vương (từ đường Lê Hồng Phong đến phố Chùa Một Cột). Sau khi hoàn thành dự án đưa vào khai thác sử dụng, các tuyến phố đi bộ đã mang một diện mạo hoàn toàn mới, được người dân và du khách quốc tế hoàn toàn ủng hộ, đánh giá cao.

Hè của ba tuyến phố đi bộ khu vực Lăng Bác được lát loại đá granit khai thác từ Phú Yên. Ảnh: Vũ Cúc

Chia sẻ về ý tưởng kiến trúc tại các tuyến phố quanh khu vực Lăng, Đại tá Phạm Văn Thiện cho rằng, đây là những tuyến có những đặc thù khác với các tuyến phố đang được các quận của Hà Nội cải tạo thay thế vỉa hè bằng đá tự nhiên. Xác định đây là các tuyến phố đi bộ nên trong quá trình cải tạo, thi công không phân chia giữa vỉa hè và lòng đường nên có cùng một cost (độ cao), có tính độ dốc hai bên để bảo đảm thoát nước khi mưa. Đồng thời, TP Hà Nội cũng đã cho trồng thay thế 37 cây phượng vĩ bằng các cây quý hiếm như cây sang, giáng hương dọc các tuyến phố tạo sự đồng bộ cảnh quan.

Đại diện Ban Quản lý dự án cho biết, đơn vị quyết định chọn đá granit khai thác tại tỉnh Phú Yên có độ cứng cao. Đá lát chủ yếu có hai kích cỡ 40,5 x 81cm và 27 x 81cm, dày 10cm. Khi lát, các viên đá được đặt so le để tạo sự thẩm mỹ, mạch bên trên hở rộng 0,5cm, lớp vữa chèn mạch được rót bằng loại vữa tự chảy không co mác 300.

Khu vực quanh Quảng trường Ba Đình với đặc thù có rất nhiều trụ sở cơ quan T.Ư nên hệ thống dây cáp, điện, nước hạ ngầm cũng dày đặc. Vì vậy, khi thi công hạ ngầm, hào kỹ thuật đã được xây dựng gồm 3 ngăn dành riêng cho từng loại dây cáp. Cứ khoảng 100m, hệ thống hào này lại được thiết kế nắp gang nhằm đảm bảo khi duy tu, sửa chữa hệ thống hạ ngầm không phải đào bới các viên đá lát. Tuy nhiên, theo Đại tá Phạm Văn Thiện quan trọng nhất khi lát đá là cốt nền phải được đầm, lu lèn chắc chắn. Đây là yếu tố cơ bản để đảm bảo việc lát đá trên các tuyến đường, vỉa hè được bền vững. Phần vỉa hè thì không có cốt thép, còn phần lòng đường tuyến phố đi bộ bắt buộc phải có cốt thép để tăng độ chịu lực.

Để đảm bảo chất lượng, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập Ban Quản lý dự án thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ về vật liệu đầu vào, kỹ thuật thi công. “Ngoài những đơn vị có chuyên môn, trong quá trình thi công, việc giám sát còn có sự tham gia của các thành viên của Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng và Nhân dân sống xung quanh khu vực” – Đại tá Phạm Văn Thiện nhấn mạnh.

Làm đồng bộ

Với việc thi công cẩn thận, đảm bảo đúng kỹ thuật đến từng chi tiết trong từng công đoạn, cộng với sự kiểm tra, giám sát chẽ, đến nay sau hơn một năm, giai đoạn 1 của dự án hoàn thành, không có bất kỳ sự cố nào liên quan đến đá lát vỉa hè, lòng đường tại các tuyến phố quanh Lăng Bác. Khi hoàn thành, những tuyến đường xanh, sạch đẹp, là địa chỉ thu hút khách tham quan du lịch. Ông Phan Văn Lịch, sống tại phố Ngọc Hà nhận xét: “Tôi thường xuyên dạo bộ trên các tuyến phố quanh Lăng, thấy những viên đá lát ở đây rất chắc chắn, sạch đẹp, đi lại thấy thoải mái, an toàn. Mong Hà Nội sẽ có nhiều tuyến phố sạch đẹp như thế này”.

Trong khi đó, trên một số tuyến phố thuộc địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông... cũng đang tiến hành lát đá vỉa hè. Tuy nhiên, một số vị trí đã bị vỡ nát, hư hỏng dù mới đưa vào sử dụng chưa lâu. Theo PGS.TS Trần Chủng, việc đá lát vỉa hè vừa sử dụng đã hư hỏng trước hết do đơn vị thi công không bảo đảm kỹ thuật, đơn vị giám sát không làm hết trách nhiệm.

Đồng quan điểm, KTS Nguyễn Việt Huy cho rằng, để các tuyến phố Hà Nội được sạch đẹp, khang trang, TP nên thống nhất chung về mặt kiến trúc hè phố. Sở Xây dựng cần có chỉ đạo tất cả các quận thống nhất chung về mặt thiết kế, sau đó tiến hành thực hiện đồng bộ. “Hiện nay, mỗi quận lát một kiểu đá, kích thước khác nhau. Việc lát đá đòi hỏi phải xử lý đầm nền tốt, lớp bê tông đủ độ dày, có quan tâm đến những khu vực ô tô, xe máy bắt buộc đi qua để vào cơ quan, công sở. Qua quan sát, tôi thấy có đoạn vừa lát đá xong, thậm chí đang lát, người và phương tiện đã qua lại mà không có rào chắn hay người hướng dẫn. Việc hè sụt, lún, đá bong, vỡ cho thấy trước hết nền không được xử lý tốt, sau đó là việc giám sát vật liệu đầu vào, thi công chưa chặt chẽ" – KTS Nguyễn Việt Huy nhấn mạnh.

Đánh giá chất lượng lát đá vỉa hè tại 4 quận: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và Thanh Xuân sau khi có phản ánh của dư luận, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Việt Trung cho biết: Đến nay, sau khi kiểm tra, Sở Xây dựng đã phát hiện nhiều hạn chế trong công tác thực hiện lát vỉa hè bằng đá tại các quận. Sở đã yêu cầu, tất cả các tuyến lát vỉa hè phải hoàn thành hạ ngầm trước, tránh tình trạng sau khi lát đá lại đào lên.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để tránh tình trạng vừa lát xong vỉa hè đã hư hỏng, khi thực hiện việc sắp xếp lại vỉa hè, lòng đường, bảo đảm đồng bộ, văn minh và sử dụng lâu bền. Cách làm tại các tuyến phố đi bộ quanh khu vực Lăng Bác cần được triển khai nhân rộng.
Chiều 4/12, Văn phòng UBND TP Hà Nội ban hành văn bản số 11309/VP-ĐT về việc kiểm tra dự án lát lại vỉa hè tại địa bàn một số quận. Trong đó nêu rõ: Những ngày vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh tình trạng lát vỉa hè trên một số tuyến phố chưa bảo đảm độ bền, hư hỏng nặng. Về việc này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chỉ đạo: Giao Thanh tra TP kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện chủ trương của UBND TP tại văn bản số 6224/UBND – ĐT ngày 28/10/2016 về thiết kế hè đường đảm bảo văn minh đô thị tại các quận (tập trung vào một số dự án lát lại vỉa hè đã và đang triển khai thực hiện tại các quận; lưu ý kiểm tra làm rõ về chất lượng công trình, kết quả nghiệm thu… ); báo cáo UBND TP kết quả thực hiện trong tháng 12/2017. (Anh Quý)