Vi phạm tràn lan
Hồi tháng 4/2015, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra công tác quản lý đất công tại quận Cầu Giấy, huyện Từ Liêm (cũ) thiếu chặt chẽ, thiếu công khai, minh bạch như: Không có hồ sơ địa chính, không có sổ cập nhật biến động đất công; dẫn đến việc lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép; cho thuê trái phép; bồi thường tài sản trên đất công; hợp thức hóa hồ sơ để cấp sổ đỏ nhưng chưa được xử lý triệt để. Thanh tra TP cũng từng phát hiện việc lấn chiếm đất công tại khu Lò Gạch, thôn Yên Xá, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, khoảng 2.000m2 bị 16 hộ dân lấn chiếm, xây nhà cấp 4. Hay tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, nhiều hộ dân lấn chiếm đất công ven đầm Thượng Thanh, dù chính quyền đã vào cuộc nhưng chưa xử lý triệt để...
Có một thực tế gia tăng tình trạng khiếu kiện trong Nhân dân, đó là việc sử dụng đất khai hoang, có trường hợp được thừa nhận, được cấp sổ đỏ, nhưng cũng có những trường hợp bị thu hồi sau nhiều năm sử dụng đất. Cụ thể, hàng chục hộ dân tại thôn Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) từng khiếu kiện về việc chính quyền thu hồi đất không minh bạch, cùng là đất khai hoang nhưng có trường hợp bị thu hồi, có trường hợp được “đặc cách” không bị thu hồi.
Nhận dạng 4 mánh khóe
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT đưa ra nhận định, có 4 mánh khóe trong lấn chiếm đất công. Theo đó, hình thức thứ nhất, dễ thấy nhất khi nhà dân ở sát đất công (gần đường, gần các thửa đất hoang, bờ sông, kênh, mương, ao), dẫn đến việc nảy sinh ý định lấn chiếm. Các hộ gia đình này thường lấn ra vỉa hè, lấn ra đường, bờ ao, nay lấn một tý, mai lấn thêm một tý, đẩy hàng rào ra với phương thức “để lâu hóa bùn”. Thậm chí, tại các khu chung cư cũ, đa số hộ gia đình ở tầng 1 đều lấn chiếm gấp rưỡi diện tích thực tế trong sổ đỏ. Đây là dạng lấn chiếm vặt, thế nhưng trong một thời gian, cũng có những hộ lấn chiếm được diện tích gấp đôi thửa đất cũ.
Hình thức thứ hai, đó là việc người dân "nhảy dù" vào các bãi đất hoang, đất công chưa sử dụng, với cách thức khai hoang dần khi các thửa đất đó chưa được chính quyền để mắt đến. Người này, người kia dựng lều, lập thành “xóm liều”, từ không thành có. Hình thức thứ ba là có sự trợ giúp của chính quyền địa phương. Đó là tài sản công nhưng được biến tướng dần. Đất có thể được cho mượn, cho thuê, dần dần chính quyền lờ đi, coi như đó là tài sản riêng, được cấp sổ đỏ. Hình thức này là đất lấn chiếm có sự tiếp tay, “chống lưng” của chính quyền, biến tài sản công thành tài sản tư. Hình thức thứ tư là chính quyền thu hồi đất của dân với diện tích lớn hơn dự án. Sau đó, phần đất thừa ra để lại, được biến tướng, giao cho người khác. Hình thức này thông qua cơ chế thu hồi đất có tổ chức lấn chiếm, có sự tiếp tay của chính quyền với sự tham gia của nhiều người, dẫn đến việc khiếu kiện của những hộ dân có đất bị thu hồi.
Để thất thoát đất đai phải đền
Ông Võ nhận định, tất cả các trường hợp trên đều do chính quyền cấp xã, phường yếu kém, không biết quản lý, không biết thửa đất đó như thế nào, sơ sẩy để thất thoát, hoặc chính quyền cố tình tiếp tay, buông lỏng quản lý, bởi cùng có chung lợi ích. Như vậy, giải pháp thứ nhất phải làm rõ trách nhiệm của cấp xã, phường, phải có chế tài bồi thường cho Nhà nước, để thất thoát đất đai phải đền. Giải pháp thứ hai, cấp quận, huyện phải tăng cường công tác thanh, kiểm tra thường xuyên, không phải chờ có ý kiến phản ánh mới xuống kiểm tra; phải nắm rõ được việc sử dụng đất, đâu là đất công, đâu là đất biến tướng. Giải pháp thứ ba, phải mở rộng quyền giám sát của Nhân dân, nếu người dân phát hiện việc sử dụng đất sai mục đích sẽ phản ánh cho ai? Vì vậy, phải có đường dây nóng để người dân phản ánh, khi tiếp nhận được phản ánh, cơ quan chức năng phải vào cuộc xử lý.
Đối với việc sử dụng đất khai hoang lâu năm, theo ông Võ, nếu được chính quyền đồng ý, thừa nhận, đất sẽ được cấp sổ đỏ, nhưng cũng có những trường hợp quy vào đất khai hoang không theo quy hoạch, không được thừa nhận, bị coi là đất lấn chiếm. Trong khi đó, việc buông lỏng quản lý, thực thi pháp luật lỏng lẻo của chính quyền đã gây thất thoát đất đai, gia tăng tranh chấp, khiếu kiện trong Nhân dân.q
Nhiều hộ dân xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai lấn chiếm đất công ven đầm Thượng Thanh. Ảnh: Nguyễn Phúc
|
Theo quy định tại Điều 12 Luật Đất đai 2013, những hành vi bị nghiêm cấm gồm: lấn chiếm, hủy hoại đất đai; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai… Tùy theo mức độ hậu quả của hành vi vi phạm, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 105/2009/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Đồng thời, theo Điều 64 Luật Đất đai 2013, trường hợp trên sẽ bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai.
Luật sư Bùi Quang Thu - Đoàn Luật sư TP Hà Nội
|