Lật tẩy thủ đoạn của thanh niên 9X lừa đảo "xâu hạt vòng" chiếm đoạt tài sản

Đạt Lê - Hoàng Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nam thanh niên 9X lập nick facebook để đăng bài viết tuyển nhân công xâu hạt vòng xuất khẩu làm việc tại nhà rồi hứa hẹn và cam kết thu nhập của nhân công cao. Qua đó, đối tượng chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của người làm việc nội trợ, sinh viên, học sinh...

 Đối tượng Lê Văn Duy tại cơ quan công an.
Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP Hà Nội) phối hợp với Công an thị xã Sơn Tây đã làm rõ vụ lừa đảo qua mạng. Đối tượng gây ra hàng loạt vụ lừa đảo kể trên là Lê Văn Duy (SN 1997, ở xã Tân Phú, huyện Quốc Oai, Hà Nội) .Trong vụ việc này, nạn nhân là những phụ nữ không có việc làm hoặc học sinh, sinh viên. 
Theo cơ quan công an, đầu năm 2018, Duy sử dụng hai tài khoản Facebook là "Thảo Hồng" và "Ngọc Thảo" để đăng bài viết tuyển nhân công xâu hạt vòng xuất khẩu làm việc tại nhà. Người này cũng hứa hẹn trả công 850.000 đồng cho mỗi kg hạt vòng thành phẩm.
Và Duy cam kết thu nhập của nhân công không dưới 2 triệu đồng/tuần. Và nhân công muốn mang hạt vòng về nhà phải theo yêu cầu của Duy là đặt cọc 300.000 đồng/kg. Tiền công và đặt cọc sẽ được hoàn trả khi bàn giao sản phẩm. Sau khi nhận tiền, Duy đã chiếm đoạt toàn bộ tiền đặt cọc rồi chặn liên lạc mà không gửi hàng như thỏa thuận. 
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các giao dịch, cảnh sát công nghệ cao xác định Lê Văn Duy nhận tiền đặt cọc thông qua 3 hình thức gồm: thẻ cào điện thoại, chuyển khoản qua ví điện tử MoMo hoặc tài khoản ngân hàng...
 Cơ quan công an cảnh báo, người dân cần cảnh giác trước thông tin tuyển dụng, bố trí việc làm có yêu cầu đặt cọc qua mạng. (Ảnh: minh họa).
Từ mã thẻ điện thoại bị hại gửi đến, Duy đổi thành tiền nạp vào tài khoản cá nhân tổng số 167 triệu đồng (tương ứng 250 triệu đồng tiền mã thẻ điện thoại sau khi chiết khấu khoảng 40%).
Với 3 tài khoản ví điện tử MoMo, bị can nhận tiền của một số bi hại rồi nạp tiền vào tài khoản trò chơi trực tuyến hoặc thanh cước Internet. Mặc dù việc chuyển tiền đặt cọc đến tài khoản ngân hàng có thể dễ dàng truy vết nhưng Duy vẫn sử dụng vì có thể chuyển lượng tiền lớn mà không bị chiết khấu. 
Theo cơ quan điều tra, đến nay, Duy đã chiếm đoạt hơn 280 triệu đồng của khoảng 100 bị hại ở nhiều tỉnh, thành khác nhau. Trong đó, bị hại bị chiếm đoạt ít nhất là 300.000 đồng, người lừa nhiều nhất là 9 triệu đồng.
Qua lời khai của Duy tại cơ quan công an, đa số bị hại là người không có việc làm, ở nhà làm nội trợ hoặc học sinh, sinh viên. Vụ án đang được cơ quan công an tiép tục xác minh thêm bị hại.
Trước hoạt động phạm tội nêu trên, Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP Hà Nội) cảnh báo: Người dân cần cảnh giác trước thông tin tuyển dụng, bố trí việc làm có yêu cầu đặt cọc được đăng tải trên mạng, nhằm tránh trường hợp trở thành nạn nhân của các hành vi phạm tội...  

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần